Phi cơ tuần thám, săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy |
Ngày 7/12, Singapore tuyên bố cho phép Mỹ triển khai máy bay giám sát tới nước này nhằm do thám các hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Động thái này khiến Bắc Kinh nổi giận. Nó diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang thực hiện tại vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới.
Điều này cho thấy dù Mỹ có một số vấn đề trong nước hay quan tâm tới các hoạt động quân sự ở nước ngoài do khủng hoảng và các mối đe dọa từ Trung Đông, thách thức lâu dài, nghiêm trọng hơn đối với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ vẫn là kiểm soát mối quan hệ với Trung Quốc, theo BBC.
Chuyên gia an ninh và quốc phòng Anthony Cordesman của Trung tâm Chiến lược và Quốc tế (CSIS) dùng từ "khủng hoảng phức tạp" để mô tả chính sách ngoại giao hiện thời của Mỹ.
Theo ông, xử lý các khủng hoảng đa phương, cấp bách, quan trọng, ngắn và dài hạn trong cùng thời điểm là việc cần thiết. Đây là thách thách thức với chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Trong chuyến thăm châu Á hồi tháng trước, ông Obama dường như nôn nóng thoát khỏi các vấn đề Trung Đông và cuộc chiến phía sau nó, chỉ để tự trả lời những câu hỏi về chính sách của ông ở khu vực này.
Lãnh đạo Mỹ đã tới Philippines và Malaysia để giới thiệu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại quan trọng không có Trung Quốc.
Dù TPP được xem là một phần quan trọng trong chính sách tái cân bằng khu vực châu Á do Obama đề xuất, hiệp định trở thành một thử thách quan trọng cho Mỹ để “bắt kịp” Trung Quốc, bởi Bắc Kinh đang nổi lên như một cường quốc khu vực và thế giới với tốc độ trỗi dậy khác thường. Trung Quốc mở rộng quy mô đồng nội tệ khắp toàn cầu và tự khẳng định vị thế tại châu Á.
Thách thức tại Biển Đông
Ảnh vệ tinh tháng 4 cho thấy đường băng do Trung Quốc xây trái phép trên đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP |
Căng thẳng tại Biển Đông do tranh chấp giữa các bên về chủ quyền khiến nhiều người lo ngại xung đột có thể xảy ra. Theo bản đánh giá hồi tháng 1 của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã cải tạo phi pháp tại Biển Đông với quy mô gấp 17 lần trong 20 tháng tháng, hơn tất cả các nước khác cộng lại trong 40 năm qua. Dù chưa rõ ý đồ thực sự của Trung Quốc, bản đánh giá cho rằng, Bắc Kinh muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực mà không gây ra xung đột.
Các chuyên gia cho biết, các đảo nhân tạo sẽ cho phép Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự trong tương lai và tuần tra khu vực cách xa đất liền của nước này.
Báo cáo của Lầu Năm Góc về Chiến lược An ninh Hàng hải châu Á - Thái Bình Dương viết: “Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực, gây khó khăn cho các sáng kiến ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng”.
Anja Manuel, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống George W.Bush, nhận định: "Trung Quốc không có ý định thách thức sức mạnh quân sự của Mỹ trên toàn cầu, nhưng họ muốn giữ thế thống trị tại châu Á và đánh gục từng đối thủ”.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc đang mở rộng quy mô, vượt xa nhiệm vụ bấy lâu là bảo vệ các đường biên giới. Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài đặt tại Djibouti. Djibouti cách không xa căn cứ quân sự Lemonnier duy nhất của Mỹ tại châu Phi.
Đọ sức mạnh kinh tế
Tại Pakistan, Trung Quốc đã ký các hợp đồng năng lượng và cơ sở hạ tầng trị giá 46 tỷ USD. Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan sẽ mở ra tuyến đường thương mại mới từ Bắc Kinh tới Trung Đông. Bắc Kinh cũng đang xây dựng “con đường tơ lụa” tới châu Âu. Đây là một thỏa thuận kinh tế chiến lược có khả năng đối chọi với TPP của 12 nước, gồm Mỹ.
Tháng trước, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ gia nhập giỏ tiền dự trữ thế giới, bên cạnh USD, euro, Bảng Anh và yen. Khi Trung Quốc tuyên bố thành lập Ngân hàng Đầu tư và Cơ sở hạ tầng (AIIB), Mỹ đã mạnh tay ngăn các đồng minh không gia nhập. Nhưng rút cục, 57 nước vẫn tham gia sáng lập AIIB, gồm Anh.
Trước các động thái từ phía Trung Quốc, Tổng thống Obama bị chỉ trích vì không thực hiện các biện pháp đủ mạnh để chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc. Thậm chí, một số nhà phân tích nói rằng, Mỹ đã "giao" Biển Đông với lợi ích thương mại hàng năm khoảng 5 nghìn tỷ USD vào tay Trung Quốc.
“Nhiều người lo ngại liệu hành động của Mỹ có đủ mạnh để khiến Bắc Kinh phải trả giá cho hành vi gây bất ổn của họ hay không”, Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định. Theo bà Glaser, Washington cần hai năm để thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm chống lại hành động từ phía Trung Quốc.
Theo BBC, một cuộc xung đột trực tiếp giữa Bắc Kinh và Washington là điều khó xảy ra, song rủi ro sẽ lớn và tác động mạnh tới nền kinh tế Mỹ bởi số lượng hàng hóa nước này chiếm 1/5 hoạt động thương mại qua Biển Đông.
Tuy nhiên, người ta cũng không loại trừ khả năng về một cuộc đụng độ. Do đó, việc điều chỉnh mối quan hệ giữa hai nước là thử thách yêu cầu Mỹ phối hợp với các đồng minh châu Á, gồm các nước có tranh chấp với Trung Quốc.
“Mọi người muốn Mỹ trở thành lực lượng trung gian ở châu Á. Nhưng họ cũng muốn Washington có mối quan hệ tốt với Trung Quốc”, Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh của ông Obama, nói.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng ông Obama đã cư xử hợp lý với Trung Quốc, nhưng cảnh báo lãnh đạo tiếp theo của Mỹ cần duy trì cách xử sự như vậy, bất chấp thái độ bài Trung Quốc xuất hiện trong suốt tiến trình tranh cử tổng thổng 2016.