Dưới đây là danh sách 6 sự kiện nổi bật ở Đông Nam Á năm 2015.
Di ảnh ông Lý Quang Diệu đặt tại khu vực tưởng niệm trong thời gian quốc tang ở Singapore. Ảnh: AFP |
Singapore: Ông Lý Quang Diệu từ trần
Cuối tháng 3, người dân Singapore đau xót khi vị cha già lập quốc Lý Quang Diệu từ trần ở tuổi 91. Tang lễ cấp nhà nước để đưa tiễn ông Lý diễn ra vào ngày 29/3.
Trời đổ mưa lớn trong ngày này nhưng đông đảo người dân vẫn đổ ra đường để chờ đón đoàn xe chở linh cữu vị thủ tướng đầu tiên của Singapore.
Hàng chục nguyên thủ thế giới đã đến viếng và bày tỏ lòng kính trọng với ông Lý Quang Diệu, người đưa Singapore trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận định với Zing.vn rằng, sự ra đi của ông Lý Quang Diệu không gây ra cú sốc đối với chính trường Singapore cũng như tương lai đảo quốc này, vì ông Lý Quang Diệu đã không còn tham gia vào chính trường ở vai trò bộ trưởng cao cấp hay cố vấn từ vài năm gần đây.
Đến ngày 11/9, Singapore tổ chức cuộc tổng tuyển cử quốc hội khóa mới. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra khi đảng cầm quyền Hành động vì nhân dân (PAP) thiếu vắng tiếng nói ảnh hưởng của ông Lý Quang Diệu. Tuy nhiên, đảng này vẫn giành chiến thắng với tỷ lệ 69,9%, con số tốt nhất trong 14 năm qua của PAP.
Tiến sĩ Hiệp nói di sản của ông Lý Quang Diệu vẫn thể hiện sự tác động đáng kể đối với đời sống chính trị ở Singapore. "Một trong những yếu tố khiến PAP thắng cử chính là tình cảm của người dân dành cho ông Lý Quang Diệu. Kết hợp với sự kiện này cùng dịp Singapore kỷ niệm 50 năm độc lập khiến đảng cầm quyền tranh thủ được sự ủng hộ của cử tri”.
Thái Lan: Đánh bom rung chuyển Bangkok
Vụ đánh bom kinh hoàng xảy ra ở giữa lòng thành phố du lịch nổi tiếng châu Á vào đêm 17/8 khiến ít nhất 20 người chết và hơn 120 người bị thương.
Sự việc xảy ra ở khu đền Erawan, nơi đặt tượng thần Brahma của Ấn giáo và được coi là chốn linh thiêng, thu hút đông đảo du khách nước ngoài.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói rằng đây là vụ tấn công “tồi tệ nhất” từng xảy ra ở nước này, bởi nó rõ ràng nhắm vào du khách và thường dân với âm mưu phá hủy kinh tế của Thái Lan, đặc biệt là ngành du lịch mũi nhọn.
Lần đầu tiên một vụ tấn công nghiêm trọng nhằm vào khách du lịch xảy ra ở giữa thủ đô Bangkok. Ảnh: Reuters |
Sau một thời gian dài truy đuổi, cảnh sát Thái Lan đã bắt hai nghi phạm chính là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc. Nhà điều tra cho hay, động cơ tấn công nhằm trả thù việc Bangkok triệt phá mạng lưới buôn người của chúng.
Trả lời Zing.vn ngay sau ngày vụ khủng bố xảy ra, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, cho rằng vụ đánh bom để lại hậu quả lớn nhất là khiến cộng đồng quốc tế và những người muốn chọn Thái Lan làm điểm đến du lịch phải cân nhắc lại.
"Hình ảnh Thái Lan ở khu vực và trên thế giới đã không còn như trước đây. Thái Lan không còn là vùng đất hứa mà người dân sẵn sàng chi tiền để du lịch nữa. Tác hại lớn nhất chính là bức tranh, hình ảnh về nền an ninh, đất nước êm đềm, thanh bình, trung tâm du lịch của ASEAN đã bị hoen ố", ông Cương nói.
Tuy nhiên, các tín hiệu và chỉ số cho thấy, ngành du lịch Thái Lan đang dần phục hồi lòng tin đối với du khách quốc tế. Ngân hàng trung ương Thái Lan (BOT) cho biết, sau 2 tháng giảm liên tiếp từ sau vụ 17/8, lượt khách nước ngoài đến Thái Lan bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 10. Phần lớn du khách đến nước này là công dân Trung Quốc.
Ông Porametee Vimolsiri, tổng thư ký Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan, ngày 16/11 khẳng định du lịch vẫn là một trong những mũi nhọn đóng góp lớn cho nền kinh tế nước này. "Vụ đánh bom Bangkok gây ra tác động về ngắn hạn. Tuy nhiên, tổng lượt khách du lịch trong quý vừa qua đạt 7,3 triệu lượt, mức tăng 24% so với năm ngoái", hãng Bloomberg trích lời ông Porametee nói.
Malaysia: Thủ tướng đối mặt khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất
Khủng hoảng chính trị ở Malaysia phát sinh từ đầu tháng 7, xuất phát từ thông tin của báo Wall Street Journal phanh phui khoản tiền đến 700 triệu USD được cho là của Thủ tướng Najib Razak tham ô từ công quỹ.
Quỹ 1MDB do chính Thủ tướng Najib lập năm 2008, trực thuộc Bộ Tài chính mà ông cũng chính là Bộ trưởng. Mục tiêu của quỹ là đầu tư chiến lược vào các dự án ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, quỹ này nợ hơn 11 tỷ USD và có nguy cơ mất khả năng chi trả.
Biển người áo vàng liên tục biểu tình ở Malaysia để đòi thủ tướng từ chức. Ảnh: Reuters |
Liên tục từ tháng 7 đến tháng 8, hàng chục nghìn người Malaysia tạo thành “cơn mưa áo vàng” xuống đường biểu tình đòi Thủ tướng Najib phải từ chức. Reuters cho biết số lượng người biểu tình ở thủ đô Kuala Lumpur vào đỉnh điểm lên đến 200.000 người. Nổi bật trong dòng người biểu tình là sự xuất hiện của cựu thủ tướng Mahathir Mohamad.
Trước những đe dọa và áp lực, Thủ tướng Najib vẫn có những tuyên bố cứng rắn và bảo vệ những thành quả về kinh tế mà Malaysia đạt được dưới sự lãnh đạo của ông. Ông cũng bác bỏ những cáo buộc tham nhũng, gọi đây là sự tấn công chính trị.
Indonesia: Cháy rừng nghiêm trọng
Nạn cháy rừng ở Indonesia từ lâu không hề được cải thiện mà tình hình ngày càng phức tạp. Khói mù từ cháy rừng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong nước. Tình hình ở đảo Kalimantan và Sumatra diễn biến nghiêm trọng từ khoảng tháng 9, khiến khoảng 40 triệu người hít thở khói độc mỗi ngày, gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế. Phần lớn các khu vực ở Indonesia phải đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Khói mù từ cháy rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe người dân Indonesia. Ảnh: Jakarta Globe |
Một thống kê do chính phủ Indonesia công bố cho thấy, cháy rừng và khói mù khiến nước này thiệt hại ít nhất 35 tỷ USD, tương đương 4% GDP của Indonesia và phần tăng trưởng kinh tế trong năm 2015. Tuy nhiên, số liệu trên có thể chưa bao gồm những hậu quả vô hình mà cháy rừng gây ra, như tai nạn giao thông do khói mù, các chuyến bay phải hủy chuyến, doanh nghiệp không hoạt động... Hay hàng nghìn người mất việc do không thể làm việc trong điều kiện ô nhiễm nghiêm trọng cũng là hậu quả.
Khi khói từ cháy rừng lan sang các nước láng giềng Malaysia và Singapore, nó gây ô nhiễm không khí ở cả hai nước này và làm hàng nghìn người ngã bệnh. Các nước trong khu vực gồm Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Philippines đồng loạt bày tỏ sự không bằng lòng về khả năng xử lý hậu quả cháy rừng yếu kém của chính phủ Indonesia. Trên trường quốc tế, qua các đám cháy, Indonesia cũng tự gây tai tiếng là nước thải khí carbon vào môi trường nhiều nhất.
Tờ Jakarta Globe gọi cháy rừng ở Indonesia là tội ác môi trường lớn nhất thế kỷ 21. Dư luận Indonesia yêu cầu chính phủ phải áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn triệt để vấn nạn này, như việc xử tù những công ty đốt rừng.
Bên cạnh đó là hàng loạt nhiệm vụ khác, như chuyển hướng đầu tư ra khỏi các hoạt động nông nghiệp sử dụng than bùn, hoặc chỉ cho phép sản xuất nếu cơ sở bảo đảm gần các nguồn nước... Tất cả những biện pháp này sẽ không thể thực hiện hiệu quả nếu thiếu sự cam kết của chính phủ trong việc quyết tâm khắc phục thảm họa cháy rừng.
Myanmar: Cuộc bầu cử tự do, công bằng đầu tiên sau 25 năm
Lần đầu tiên sau 25 năm, người dân Myanmar đã được tham gia cuộc bầu cử tự do và công bằng đầu tiên để chọn ra quốc hội mới. Chiến thắng đã gọi tên đảng của nữ thủ lĩnh phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi.
Những hình ảnh dòng người xếp hàng dài chờ đến lượt bỏ phiếu diễn ra tại thành phố Yangon ở Myanmar ngày 8/11. Điều này phần nào phản ánh sự phấn khích của người dân Myanmar đối với cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau hơn 25 năm. Chính quyền cho biết, tỷ lệ cử tri đi bầu đến khoảng 80%.
Nữ thủ lĩnh phe đối lập ở Myanmar gây tranh cãi với phát ngôn "đứng trên cả tổng thống". Ảnh: Reuters |
Không nằm ngoài dự đoán, chiến thắng thuộc về đảng đối lập do bà Suu Kyi làm chủ tịch. Tuy nhiên, từ trước khi bầu cử diễn ra, bà Suu Kyi đã có phát biểu gây tranh cãi khi tuyên bố “sẽ đứng trên cả tổng thống”. “Tôi sẽ là người ban hành mọi quyết định, vì tôi là chủ tịch của đảng chiến thắng. Tổng thống sẽ là người mà chúng tôi chọn ra để đáp ứng các điều kiện mà hiến pháp quy định", bà nói với Reuters.
Đầu tháng 12, bà Aung San Suu Kyi đã có cuộc gặp “nồng ấm và cởi mở” với Tổng thống Thein Sein để thảo luận về vấn đề chuyển giao quyền lực. Tổng thống Thein Sein đã cam kết tôn trọng kết quả bầu cử và nỗ lực để quá trình chuyển tiếp diễn ra êm ả. Quốc hội khóa mới của Myanmar sẽ họp vào năm 2016 để bầu ra chính phủ mới vào tháng 3.
Chia sẻ với Zing.vn vài ngày sau cuộc bầu cử lịch sử, nhà báo Zeya Thu, phó tổng biên tập báo Voice Weekly (Myanmar) nêu lên nhiều thách thức mà đảng NLD cần giải quyết sau cuộc bầu cử. Thách thức đầu tiên chính là việc thành lập chính phủ, vì cần phải tìm được người có khả năng và đạt được thỏa thuận với các bên.
Kế đến, đàm phán hòa bình là một ưu tiên và phải đẩy nhanh; do Myanmar là một xã hội với 135 nhóm dân tộc và khoảng 20 nhóm vũ trang nên chính phủ cần xây dựng một liên bang thực sự. Ông Zeya Thu cũng nhấn mạnh rằng, các tiến trình cải cách kinh tế cũng phải được thúc đẩy thêm nữa. Nếu không, quá trình cải cách ở Myanmar có thể bị ngưng trệ hoặc thậm chí sụp đổ.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành
Vào cuối tháng này, ngày 31/12/2015, ASEAN sẽ chứng kiến cột mốc lịch sử mới khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức thành lập.
Các nhà phân tích cho rằng việc thành lập Cộng đồng ASEAN là một bước lớn trong việc hội nhập châu Á. Cộng đồng ASEAN sẽ đưa nền kinh tế khu vực lên một tầm cao mới đồng thời kết nối người dân, chia sẻ lợi ích trong khu vực.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.
Văn kiện hình thành Cộng đồng ASEAN, sau khi được các nguyên thủ quốc gia ký kết sáng 22/11, được thủ tướng Malaysia (trái) trao cho Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh với sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo ASEAN. Ảnh: The Star |
TS Lê Hồng Hiệp nói với Zing.vn rằng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ không tạo ra thách thức mới hay cú sốc với các nước thành viên. Sự thành lập AEC sẽ mang lại những sự lựa chọn mới, nguồn lực mới cho doanh nghiệp trong nước. "Nếu họ biết nắm bắt, tận dụng thời cơ khéo léo thì sẽ tăng năng lực cạnh tranh và giành lợi thế trong chính thị trường của mình”.
Nhà nghiên cứu về Đông Nam Á nhận định, sự dịch chuyển nguồn nhân lực nội khối sẽ diễn ra dễ dàng hơn sau khi AEC hình thành. “Tuy nhiên, đây không phải là mối đe dọa quá lớn đối với công nhân hoặc những lao động trong nước. Họ không phải quá lo ngại bị mất cơ hội việc làm về người lao động từ các nước ASEAN khác. Kể cả khi cho phép dòng lao động dịch chuyển tự do hơn, mỗi chính phủ vẫn giữ quyền kiểm soát cho phép những ngành nghề, lĩnh vực nào thì được ưu tiên chứ không phải mở cửa để lao động nước ngoài đổ vào tràn lan.
Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, những thách thức rõ ràng nhất như sự cạnh tranh lớn hơn, về thị trường, về nguồn vốn, về tay nghề và kỹ năng của người lao động.
Tuy nhiên, TS Hiệp cho rằng cơ hội chính là điều kiện thu hút nguồn lực từ các nước đối tác trong ASEAN. “Một ví dụ cho thấy sự hội nhập lớn hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực, chính là sự tham gia của các ứng cử viên từ Myanmar trong một cuộc thi tuyển tiếp viên của một hãng hàng không trong nước”.