Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng: Không phải gõ kẻng mới thành Cộng đồng ASEAN

Phát biểu khai mạc Hội thảo Cộng đồng ASEAN và chương trình hành động của Việt Nam, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng Việt Nam đang chậm cả về nhận thức và hành động.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, phát biểu khai mạc Hội thảo Cộng đồng ASEAN và chương trình hành động của Việt Nam. Ảnh: Hồng Duy

Sáng 11/12, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo Cộng đồng ASEAN và Chương trình hành động của Việt Nam, nhằm giải quyết những thách thức mà Việt Nam phải đương đầu khi tham gia Cộng đồng ASEAN.

Trong nội dung bài phát biểu, Phó thủ tướng nhận định doanh nghiệp và người dân Việt Nam chậm cả về nhận thức và hành động để tận dụng tốt những cơ hội mà Cộng đồng ASEAN mang lại cũng như thách thức khi hội nhập sâu rộng. Các nước khác trong khu vực, như Thái Lan và Singapore, đã vượt trước Việt Nam về lĩnh vực này.

Theo Phó thủ tướng, nhiều người dân và doanh nghiệp Việt Nam nhận thức nhầm về Cộng đồng ASEAN. "Không phải tới ngày 31/12, khi "gõ kẻng" thì Cộng đồng ASEAN mới hình thành. Trên thực tế, từ năm 2009, chúng ta đã bắt đầu đàm phán về các quy định nhằm hình thành cộng đồng. Tới cuối tháng 12, 100% các thỏa thuận sẽ được thực hiện, hoàn tất việc hình thành cộng đồng. Chúng ta đã ở trong Cộng đồng ASEAN", Phó thủ tướng cho biết.

Theo người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Việt Nam, hội thảo sẽ không nói về thời cơ, cơ hội hay thách thức mà cần đánh giá toàn diện trên tất cả các vấn đề trụ cột, vấn đề to lớn, không chỉ nhận thức mà là hành động của toàn dân và doanh nghiệp. Đây là thách thức và yếu điểm lớn của Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN hướng tới 4 mục tiêu lớn, một là hoạt động theo luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm; hai là duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực; ba là tăng cường đoàn kết, thống nhất vai trò trung tâm của ASEAN và tăng cường năng lực thể chế cũng như sự hiện diện của ASEAN.

Về Cộng đồng Kinh tế, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế, Bộ Công Thương, cho biết cộng đồng ASEAN hướng tới 5 mục tiêu lớn:

Một là nền kinh tế thống nhất và liên kết cao; hai là một nền kinh tế năng động, đổi mới và cạnh tranh; ba là kết nối nền kinh tế và liên kết theo ngành; bốn là tự cường, dung nạp và chú trọng tới người dân; năm là gắn kết vào kinh tế toàn cầu chủ yếu thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs/CEPs).

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội hướng tới 5 mục tiêu lớn: thu hút hơn sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân thông qua các biện pháp về chiến lược; cộng đồng dung nạp, đáp ứng tốt hơn lợi ích người dân về phúc lợi, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, quyền con người; cộng đồng bền vững; cộng đồng tự cường và cuối cùng là một cộng đồng năng động, bà Thị Minh Đức, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết.

Ngày 22/11/2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia, các lãnh đạo cấp cao ASEAN đã ký kết hai văn kiện lịch sử là Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc hình thành Cộng đồng ASEAN và Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 Cùng vững vàng tiến bước. Theo lịch trình, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức được hình thành vào ngày 31/12/2015.

Việc hình thành cộng đồng là dấu mốc hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN, ghi nhận sự phát triển của ASEAN từ một Hiệp hội lỏng lẻo thành một tổ chức dựa trên luật lệ, chuẩn mực; một cộng đồng gắn bó chặt chẽ hơn, trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị - an ninh, đến văn hóa - xã hội và các lĩnh vực khác.

Đối với Việt Nam, việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong 20 năm qua kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tham gia ngày càng tích cực, chủ động trong hiệp hội; từng bước gắn lợi ích của Việt Nam với lợi ích chung của tổ chức, và nỗ lực cùng các thành viên giải quyết các thách thức chung. Đồng thời, trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Cộng đồng ASEAN chính là bức tranh thu nhỏ quá trình hội nhập sâu rộng và toàn diện nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và người dân về các nội dung của Cộng đồng ASEAN và xác định những việc cần làm để triển khai cộng đồng còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, Hội thảo "Cộng đồng ASEAN và Chương trình hành động của Việt Nam" được tổ chức với những mục tiêu chính như sau:

Phổ biến các nội dung, kế hoạch, những công việc cần thực hiện để xây dựng Cộng đồng ASEAN trong thời gian tới.

Thảo luận về những công việc cần làm, nên làm và cách làm để đạt được các mục tiêu đối ngoại của Việt Nam; đồng thời, thể hiện sự chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN qua việc quảng bá, nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN ở trong nước.

Tham dự Hội thảo có khoảng 100 - 150 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, cơ quan hữu quan khác; đại diện các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội; các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề ở Trung ương và Hà Nội; giới học giả, các nhà nghiên cứu về ASEAN.

Cộng đồng ASEAN 2015 hình thành và đóng góp của Việt Nam

Cộng đồng ASEAN được thành lập tại Malaysia hôm 22/11 là sự kiện lịch sử quan trọng và ý nghĩa với Việt Nam, phá vỡ bao vây cấm vận, đồng thời giúp đất nước hội nhập với quốc tế.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm