Các nhà lãnh đạo ASEAN chụp tại Hội nghị cấp cao 27 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh:The Star |
Sáng 22/11, các nhà lãnh đạo ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia. Giới chuyên gia nhận định, việc trở thành Cộng đồng ASEAN sẽ là nền tảng để các nước Đông Nam Á tăng cường tình đoàn kết và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Các vấn đề về an ninh và tôn giáo
Một trong những thách thức lớn nhất mà Cộng đồng ASEAN phải đối mặt là vấn đề an ninh. Các chuyên gia nhận định, vấn đề an ninh có thể dễ dàng phá vỡ hoà bình mà các quốc gia vùng Đông Nam Á đã cố gắng thiết lập.
Thanawat Pimoljinda, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Ramkhamhaeng (Thái Lan), nhận định việc thành lập Cộng đồng ASEAN giúp người dân dễ dàng di chuyển tới các quốc gia trong khu vực. Tình trạng ấy tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức khủng bố bành trướng thế lực, thu nạp thành viên.
Đặc biệt, những nhóm chiến binh Hồi giáo có liên hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế lớn xuất hiện tại một số quốc gia Đông Nam Á trong vài thập kỷ qua. Những nhóm điển hình là Abu Sayyaf và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro tại Philippines. Theo AP, chúng từng bắt cóc nhiều du khách nước ngoài, đặt bom trên máy bay của hãng hàng không Philippines Airlines, ám sát và bắt cóc các linh mục và doanh nhân. Một phần tử của Abu Sayyaf từng tiết lộ rằng chúng nhận vũ khí và đạn từ Afghanistan.
Dù ASEAN là khu vực đa văn hoá và sắc tộc, chính phủ các nước vẫn cam kết bảo tồn sự đa dạng về di sản văn hoá và phát huy bản sắc khu vực. Nhưng họ sẽ gặp thách thức khi hạn chế những khác biệt và khiến chúng trở nên hài hoà.
Cùng với các vấn đề về ranh giới minh bạch hơn, ASEAN sẽ cố gắng thấu hiểu và thích ứng với các tôn giáo khác nhau. Bên cạnh đảm bảo an ninh, các nước trong khu vực cũng phải luôn cảnh giác và tìm ra các mối đe doạ khủng bố trong bối cảnh nó đang vươn vòi tới mọi quốc gia.
Khoảng cách phát triển
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN 27. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Mức độ phát triển khác nhau giữa các quốc gia ASEAN gây khó khăn cho các nước khi làm việc cùng nhau và gắn bó khăng khít trên quy mô lớn. Việc thực hiện các mục tiêu mà Cộng đồng ASEAN đề ra cũng trở nên khó khăn.
Ví dụ, so với Singapore, lãnh thổ của Campuchia rộng gấp 250 lần và dân số lớn hơn khoảng 30 lần. Tuy nhiên, đời sống của người dân Campuchia kém quốc đảo sư tử nhiều lần. Theo số liệu của Numbeo - một trang web về dữ liệu uy tín hàng đầu thế giới, mức lương trung bình trong một tháng của người dân Singapore đạt khoảng 2.989 USD, trong khi con số tương tự tại Campuchia khoảng 176 USD. Khoảng cách về cơ sở hạ tầng giữa hai quốc gia cũng rất lớn.
Campuchia với Thái Lan đều trải qua nhiều giai đoạn khó khăn về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, tình hình kinh tế ở Thái Lan khả quan hơn nhiều so với nước láng giềng. Theo US-ASEAN, vùng nông thôn Campuchia gần như không có những cơ sở hạ tầng cơ bản. Phần lớn dân số là thanh niên dưới 21 tuổi, thiếu kỹ năng làm việc và học thức cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Sự chênh lệch về thu nhập giữa các quốc gia sẽ tạo ra dòng di chuyển lao động. Tình trạng "mất điểm trên sân nhà" có thể dễ xảy ra nếu chính phủ trong nước không kịp điều chỉnh để tạo thế cân bằng với các nước khác.
Thủ tướng Lào nhận chiếc búa tượng trưng cho chức Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Malaysia trong phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Kuala Lumpur hôm 22/11. Ảnh: EFE |
Hệ thống chính trị khác biệt
Sự khác biệt trong hệ thống chính trị giữa các nước ASEAN khiến khả năng hợp tác của họ trở nên khó khăn hơn, thậm chí có thể gây ra những xung đột giữa các quốc gia.
Hệ thống chính trị ảnh hưởng lớn tới sự ổn định trong mỗi một đất nước với nhiều khía cạnh như kinh tế, an ninh, phúc lợi xã hội. Người ta có thể thấy rõ sự khác biệt trong hệ thống chính quyền ASEAN qua trường hợp của Thái Lan.
Thái Lan là một chính phủ quân chủ lập hiến gồm vua, thủ tướng và hệ thống dân chủ nghị viện với nhiều đảng phái chính trị. Vua của họ là một biểu tượng của đất nước. Ông không có quyền lực trực tiếp theo Hiến pháp của Thái Lan.
Trong những năm gần đây, tình hình chính trị Thái Lan là vấn đề trở ngại trong việc phát triển đất nước. Tình trạng bất ổn chính trị bắt đầu từ một cuộc đảo chính vào năm 2006, khi quân đội cáo buộc cựu Thủ tướng Thaksin tham nhũng và lạm dụng quyền lực. 8 năm sau, khi em gái ông Thaksin đang giữ chức thủ tướng Thái Lan, lịch sử lại tái diễn.
Ngày 22/5/2014, quân đội Thái Lan đảo chính sau thời gian ban bố thiết quân luật kéo dài hai ngày. Tổng tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, chỉ huy cuộc đảo chính.