Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biển Đông - phép thử sự đoàn kết của ASEAN

Trung Quốc từ lâu đã áp dụng chiến lược "chia để trị" với ASEAN, nhằm ngăn cản một sự thống nhất và đoàn kết của khu vực trong vấn đề Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị cấp cao ASEAN. Ảnh: Reuters

Biển Đông: Con voi trong phòng họp

Trước hội nghị cấp cao ASEAN, đã có thông tin nước chủ nhà Malaysia, dưới sức ép của Trung Quốc đã cam kết với nước này không đưa Biển Đông vào nghị trình. Đại diện Trung Quốc cũng nói không muốn Biển Đông là nội dung trọng tâm trong thảo luận cấp cao lần này tại Kuala Lumpur.

Tuy nhiên, với những hành động xác quyết của Trung Quốc ở Biển Đông, việc bồi lấp, xây đảo nhân tạo... và mối đe dọa an ninh có thật từ những hành động này, Biển Đông là con voi trong phòng họp mà các nước không thể né tránh.​ 

Tại hội nghị lần này, “các nước ASEAN và Trung Quốc đề cập với mức độ khác nhau" về vấn đề an ninh Biển Đông, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.

Trong khi lãnh đạo nước chủ nhà chọn cách im lặng về chủ đề Biển Đông, thay vào đó tập trung vào mối lo khủng bố IS, nhiều nước như Việt Nam, Philippines nhấn mạnh nguy cơ bất ổn ở Biển Đông.

Coi việc  bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất hiện nay, Thủ tướng Việt Nam muốn một ASEAN đoàn kết, thống nhất, trước hết với việc kịp thời lên tiếng bày tỏ quan ngại chung.

Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino, cũng tin rằng Cộng đồng ASEAN không nên để một quốc gia nào, dù họ mạnh đến đâu, có thể tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và không ngần ngại sử dụng vũ lực để khẳng định tuyên bố ấy.

Ngay cả lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, và Ấn Độ đều đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình tại Kuala Lumpur, không chỉ trong các cuộc gặp đa phương với ASEAN mà trong các nội dung thảo luận song phương với nhau. Đơn cử, báo chí Ấn Độ cho biết, Thủ tướng Ấn Độ đã cùng trao đổi với người đồng nhiệm Nhật Bản về vấn đề Biển Đông.

Chia rẽ hay đoàn kết?

Tuy nhiên, liệu việc ASEAN có thể đưa ra được một thông điệp thống nhất về an ninh Biển Đông vẫn là câu hỏi để ngỏ. Sự chia rẽ của ASEAN trong vấn đề Biển Đông không phải là điều mới mẻ. 

Mấy tháng trước, trong hội nghị giữa năm, ASEAN đã phải vật lộn để cùng nhau có một tiếng nói thống nhất trong vấn đề Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trong khi không dành nhiều thời gian để tổ chức bất kỳ dạng cơ chế trừng phạt nào đối với sự xác quyết của Trung Quốc. 

Trong hội nghị thượng đỉnh tháng 5, ASEAN đã đưa ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ nhất từ trước tới nay dù cái tên Trung Quốc không được nêu chính thức (và thông điệp này chịu sự phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh). 

Cách đây vài tuần, hội nghị cấp cao của bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN cũng đã kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung, chỉ vì khác biệt quan điểm trong vấn đề Biển Đông. 

Khoảng cách tiếp cận giữa các thành viên ASEAn về vấn đề Biển Đông, theo giới quan sát quốc tế, không chỉ giữa nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông với nước không tuyên bố chủ quyền, mà còn giữa chính các nước có tuyên bố chủ quyền với nhau.

"Trong khi Philippines và Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ và muốn ASEAN có một phản ứng chung mạnh mẽ thì các nước khác như Brunei và Malaysia lại sử dụng ngoại giao trong phòng kín và cách tiếp cận nhẹ hơn", nhà báo người Thái Lan, ông Kavi Chongkittavorn, một chuyên gia về ASEAN bình luận với Zing.vn

Câu hỏi đặt ra là, đằng sau sự chia rẽ ấy, nhân tố Trung Quốc đóng vai trò như thế nào?

Chia để trị và ván bài lợi ích

Theo giới quan sát quốc tế, Trung Quốc từ lâu đã áp dụng chiến lược "chia để trị" với ASEAN nhằm ngăn cản một sự thống nhất và đoàn kết của khu vực trong vấn đề Biển Đông. Chính sách này thể hiện rõ nhất qua ván bài chi phối kinh tế và đầu tư để khoáy sâu sự khác biệt vốn có giữa các thành viên. 

Bắc Kinh cũng thường xuyên nhắc nhở về nhu cầu đàm phán song phương với từng đối tác ASEAN, nơi nước này có thể sử dụng lợi thế nước lớn. 

Nước này cũng tìm cách để hạn chế vai trò chi phối của Mỹ trong khu vực, nhấn mạnh lợi ích của trật tự lãnh đạo bởi Trung Quốc với những sáng kiến riêng như Ngân hàng đầu tư và phát triển mới đây. 

Lợi ích kinh tế đi liền với sự vượt trội về năng lực quân sự so với khu vực được Trung Quốc kì vọng sẽ khẳng định thế mạnh của nước này, buộc các láng giềng nhỏ quy phục.

Trong khi đó, các nước thành viên ASEAN có những tính toán lợi ích riêng, khiến họ không sẵn lòng đặt mình ở vị trí đối kháng với Trung Quốc trong một tuyên bố mạnh mẽ, nhiều rủi ro và ít lợi lộc với họ, điển hình như trường hợp Thái Lan, trung tâm nghiên cứu Stratfod nhận định.

Cộng đồng ASEAN đã vừa được tuyên bố thành lập. Rõ ràng, như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói, Biển Đông chính là phép thử đối với sự đoàn kết và hiệu quả của ASEAN. Phép thử đầu tiên và đầy thách thức.

Nhóm các nước có tuyên bố chủ quyền, theo ông Kevi, cần cùng nhau và cùng các thành viên khác của ASEAN đi đến đồng thuận trong các vấn đề Biển Đông. ASEAN cần đứng trên một lập trường thống nhất hơn trong các vấn đề an ninh và hòa bình. 

Theo ông Kavi, sự đoàn kết của ASEAN trong nhiều thời điểm là yếu nhưng không bị đổ vỡ.

Phương Loan

Bạn có thể quan tâm