Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao 27 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AP |
Cộng đồng ASEAN
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 9 tại Bali, Indonesia vào tháng 10/2003, lãnh đạo các nước ASEAN quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với 3 trụ cột chính về các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, kinh tế và văn hóa - xã hội.
Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”.
3 trụ cột
3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN bao gồm Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC).
Cộng đồng An ninh nhằm duy trì và tăng cường an ninh, hòa bình và ổn định, tăng khả năng của ASEAN tự bảo đảm an ninh khu vực. Các quốc gia hợp tác kiến tạo một nền an ninh toàn diện ở khu vực, ứng phó với các thách thức phi truyền thống, như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ứng phó thiên tai khẩn cấp và hợp tác về an ninh hàng hải. ASEAN khẳng định không hướng tới hình thành liên minh quân sự ở khu vực, hoặc một khối phòng thủ chung; các nước thành viên có quyền tự do theo đuổi chính sách đối ngoại riêng cũng như bố trí phòng thủ riêng của mình.
Cộng đồng kinh tế ASEAN nhằm đưa ASEAN trở thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất. AEC tập trung tạo dựng một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao, nơi có sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, di chuyển tự do hơn của các luồng vốn, phát triển kinh tế đồng đều và giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế - xã hội.
Biện pháp chính mà ASEAN sẽ thực hiện là dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại, hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm (hợp chuẩn) và quy chế, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu, hoàn chỉnh các quyắc về xuất xứ, tạo thuận lợi cho dịch tvụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN.
Tuy vậy, AEC không có kế hoạch xây dựng một liên minh tiền tệ sử dụng đồng tiền chung như Liên minh châu Âu (EU).
Công đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nhằm gắn bó chặt chẽ các nước Đông Nam Á trong một cộng đồng gắn kết, phát triển đồng đều, hòa hợp, với các “xã hội quan tâm và chia sẻ”. ASCC lấy con người làm trung tâm, tiến tới xây dựng một bản sác chung, tăng mức sống và phúc lợi cho người dân.
Hàng trăm sinh viên tham gia lễ diễu hành "Hello ASEAN" ở Indonesia vào năm 2011. Ảnh: Jakarta Post |
Quá trình hình thành
Tháng 12/1997, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ASEAN và sau khi Hiệp hội đã bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á, Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua văn kiện quan trọng Tầm nhìn ASEAN 2020, với mục tiêu tổng quát là đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”.
Bước vào thế kỷ 21, ASEAN đứng trước những cơ hội phát triển mới nhưng phải đối phó với các thách thức lớn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và cạnh tranh quyền lực các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, vấn đề Biển Đông và hàng loạt thách thức an ninh như xung đột tôn giáo, sắc tộc, buôn bán ma túy, vũ khí. Những khó khăn này khiến môi trường an ninh khu vực trở nên bấp bênh. Về kinh tế, nguy cơ tái bùng nổ khủng hoảng vẫn tiềm ẩn.
Nhận thức được điều này, cựu tổng thống Philippines Gloria Macapagal khẳng định: “Trong một thế giới bất ổn về an ninh và biến đổi liên tục về kinh tế, từng nước riêng rẽ Đông Nam Á không thể phát triển, không thể có hòa bình, không thể hy vọng thịnh vượng, không thể có niềm tin vào tương lai trừ khi chúng ta sát cánh bên nhau, góp chung của cải, chia sẻ càng nhiều các mối quan tâm chung, tin tưởng lẫn nhau và ngày càng nói chung một tiếng nói trên các diễn đàn thế giới”.
Tuyên bố này nhận được sự đồng tình và ủng hộ của các thành viên khác trong ASEAN.
Tháng 10/2003, Lãnh đạo các nước ASEAN ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020. Tuy nhiên, để kịp thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, lãnh đạo các nước ASEAN tháng 1/2007 đã quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhất trí vì mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 (rút ngắn 5 năm so với quyết định ban đầu).
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia ngày 22/11, lãnh đạo các quốc gia đã ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về thành lập Cộng đồng ASEAN. Đây là thành tự to lớn của quá trình liên kết và hội nhập ASEAN trong gần nửa thế kỷ qua.
Khác biệt giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Cộng đồng ASEAN (AC)
Mức độ liên kết khu vực trong AC sâu sắc hơn ở ASEAN. Về nền tảng pháp lý, trong khi cơ sở pháp lý của ASEAN là Tuyên bố Bangkok 1967, AC dựa trên trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Hai điểm khác biệt này làm cho ASEAN trở thành một tổ chức liên minh chính phủ vững mạnh hơn. Do tính chất trên của AC, nó không phải là một tổ chức siêu quốc gia như EU.
AC là một cộng đồng mở, mở rộng hợp tác với bên ngoài, có thể chia sẻ các thành quả hội nhập kinh tế cho các nước không phải là thành viên.