Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng muốn ASEAN đoàn kết trên Biển Đông

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN 27 ngày 21/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh diễn biến phức tạp ở Biển Đông là một trong những thách thức an ninh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 có ý nghĩa lịch sử, thể hiện nhận thức chung và quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 27. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho rằng bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN cũng như các nước trong và ngoài khu vực; thể hiện uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN.

Lòng tin xói mòn trên Biển Đông 

"Việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, và có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa và xung đột trên biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam quan ngại.

Điểm lại nhiều nỗ lực trong việc xử lý vấn đề Biển Đông của ASEAN, kể cả bày tỏ quan ngại và lập trường chung về vấn đề này (tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 26 tháng 4/2015 và Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 tháng 8/2015), Thủ tướng nhấn mạnh thực tế đòi hỏi ASEAN tiếp tục đoàn kết, thống nhất.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề xuất một số công việc mà ASEAN cần thực hiện.

Thứ nhất, các nước kịp thời lên tiếng bày tỏ quan ngại chung về những diễn biến phức tạp và hành động đơn phương ở Biển Đông, cùng với những hệ lụy xấu và rất nguy hiểm của nó.

ASEAN phải thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình.

Các nước đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột thông qua các cơ chế của ASEAN. Theo hướng đó, Việt Nam đề nghị ASEAN cùng với Trung Quốc cam kết không theo đuổi - không quân sự hóa ở Biển Đông.

ASEAN cần tăng cường trao đổi và thúc đẩy Trung Quốc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), trước mắt tập trung cụ thể hóa Điều 5; trao đổi thực chất, sớm thông qua Bộ Quy tắc COC.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN

Kêu gọi ASEAN hành động như một khối thống nhất 

Chia sẻ quan điểm này, Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino, cũng tin rằng Cộng đồng ASEAN không nên để một quốc gia nào, dù họ mạnh đến đâu, có thể tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và không ngần ngại sử dụng vũ lực để khẳng định tuyên bố ấy.

"Những sự việc khiến tình hình trên Biển Đông phức tạp bao gồm các hành động đơn phương như cải tạo, bồi lấp quy mô lớn và xây dựng những công trình trên các bãi đá ở Biển Đông", nhà lãnh đạo Philippines nêu rõ.

Về việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế, Tổng thống Aquino cho biết, Manila "mong muốn cơ chế hòa giải hòa bình sẽ mang lại sự ổn định cho khu vực. 

Trong Hội nghị, Thủ tướng Najib Razak của Malaysia cũng kêu gọi các nước ASEAN hành động như một khối thống nhất trên trường quốc tế để thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết, chứ không nên hành động đơn lẻ.

Ông cũng nhắc lại nguyên tắc giải quyết các bất đồng, bao gồm tranh chấp Biển Đông, bằng biện pháp đối thoại.​

"Chúng ta nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết bất đồng bằng những biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước về Luật Biển Liên Hợp Quốc. Vì thế, chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, không thực hiện các hành động có thể khiến tình hình thêm phức tạp hoặc căng thẳng leo thang", News Strait Times dẫn lời ông Razak.

Những thách thức của ASEAN​ 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 có ý nghĩa lịch sử , thể hiện nhận thức chung và quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc nâng liên kết và hợp tác lên tầm cao mới, phản ánh sự trưởng thành mạnh mẽ của Hiệp hội sau 48 năm phát triển, khẳng định giá trị của đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.

Về giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN, Thủ tướng chia sẻ nhận thức chung xây dựng Cộng đồng ASEAN là một tiến trình liên tục và việc thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch triển khai cụ thể tại Hội nghị sẽ định hướng và tạo thuận lợi cho ASEAN liên kết sâu rộng hơn, đóng vai trò quan trọng hơn ở khu vực.

Bên cạnh thành công, Thủ tướng cho rằng ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài cũng như những hạn chế của chính ASEAN. Do đó, trong thời gian tới, ASEAN cần phát huy xung lực mới cũng như các giá trị và phương cách ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ASEAN.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói về một số ưu tiên và trọng tâm của ASEAN, bao gồm biện pháp và nguồn lực thích đáng triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể trên từng trụ cột, tăng cường đoàn kết, thống nhất lập trường chung, nâng cao năng lực, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là xử lý những thách thức lớn đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực cũng như trong quan hệ với các đối tác đối thoại, tiếp tục dành ưu tiên cao cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.​​

Mỹ tiếp tục áp sát đảo phi pháp Trung Quốc trong năm nay

Có thể Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu tiếp cận khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông trong giai đoạn từ nay tới hết năm.

 
 

 
 
 

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm