Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Philippines vẫn tham gia AIIB dù đề phòng Trung Quốc

Sau khi cân nhắc thiệt hơn trong nhiều tháng, cuối cùng chính phủ Philippines quyết định tham gia Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng châu Á hôm 30/12.

Chính phủ Philippines từng ký thỏa thuận với tư cách thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) hồi tháng 10/2014, nhưng sau đó nhiều quan chức khẳng định "hiệp định không ràng buộc" chỉ coi Manila là một thành viên trong tương lai.

Cùng với nhiều nước sáng lập khác, Philippines bày tỏ sự do dự đối với cơ chế quản trị của AIIB, một mối quan ngại phải được giải quyết trước khi các bên hoàn tất và ký Hiến chương của AIIB vào tháng 6/2015. Tuy nhiên, Philippines là một trong 7 nước không dự lễ ký do hiệp định vẫn đang trong quá trình được xem xét ở trong nước.

Ngoài những mối lo ngại về cơ chế điều hành AIIB, Philippines còn có mối lo ngại rộng hơn về ý nghĩa của ngân hàng đối với vai trò của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, Diplomat đưa tin. Manila và Bắc Kinh đang tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Philippines đang kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về "đường chín đoạn" mà Bắc Kinh vẽ ra để tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông. Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của PCA và không dự các phiên xử.

Tranh chấp tạo ra sự hoài nghi sâu sắc từ phía Philippines đối với mọi động thái của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dù Trung Quốc không kiểm soát hoàn toàn AIIB, Bắc Kinh vẫn nắm vị trí chèo lái với quyền phủ quyết mọi quyết định của ngân hàng. Ngoài ra AIIB, về cơ bản, gắn liền với tầm nhìn chiến lược lớn hơn của Bắc Kinh về việc tạo ra "Vành đai và Con đường" kinh tế để kết nối Trung Quốc với toàn bộ lục địa Á - Âu.

Ông Benigno Aquino, Tổng thống Philippines. Ảnh: quotesgram.com

Song, giống như phần lớn nước khác trong khu vực Đông Nam Á, Philippines cũng cần tiền cho những dự án cơ sở hạ tầng của họ. AIIB là một lựa chọn hấp dẫn đối với Manila để bơm tiền cho sự phát triển kinh tế trong nước.

Lưỡng lự giữa những toan tính đầy mâu thuẫn, chính phủ Philippines đợi tới thời khắc cuối cùng mới quyết định. Hạn chót để các thành viên sáng lập AIIB gia nhập là ngày 31/12. Hôm 30/12, Tổng thống Benigno Aquino phê chuẩn việc gia nhập AIIB sau kiến nghị của Bộ Tài chính, người phát ngôn của tổng thống thông báo.

Ông Cesar Purisima, Bộ trưởng Tài chính Philippines, bày tỏ sự lạc quan đối với AIIB, gọi nó là "một định chế đầy triển vọng trong việc giải quyết những nhu cầu đầu tư, và sẽ giúp nhiều nước lấp đầy những lỗ hổng tài chính.

"Philippines sẽ hưởng lợi từ việc ký hiệp định với tư cách thành viên sáng lập. Chúng ta có thể hướng tới việc tăng trình độ kỹ thuật trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và mở rộng các dự án mà chúng ta có thể huy động vốn", Purisima khẳng định.

Theo Bộ Tài chính, cả Purisima lẫn Đại sứ Philippines tại Trung Quốc sẽ không ký Điều khoản Thỏa thuận AIIB trước khi thời hạn chót 31/12 trôi qua. Philippines sẽ là nước cuối cùng trong số 57 thành viên sáng lập tiềm năng chính thức gia nhập ngân hàng. Có thể Manila sẽ đóng góp 196 triệu USD vào AIIB.

Quyết định của Philippines là một bước nhỏ nữa hướng tới nỗ lực hâm nóng mối quan hệ lạnh lẽo giữa Bắc Kinh và Manila, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila. Mặc dù cả hai bên đều không hề tỏ ra nhượng bộ trong tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc và Philippines vẫn có thể tăng cường hợp tác kinh tế bằng việc trở lại với một hiệp định nhằm tách các vấn đề lãnh thổ ra khỏi mối quan hệ tổng thể mà hai nước ký vào năm 2011.

Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng tranh chấp lãnh thổ không ảnh hưởng tới sự tham gia AIIB của Manila. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố vấn đề Biển Đông không ảnh hưởng gì tới hoạt động phân bổ vốn vào những dự án ở Philippines.

Những điều khoản của thỏa thuận AIIB có hiệu lực từ ngày 25/12 và ngân hàng sẽ chính thức hoạt động từ ngày 16/1, với cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Quản lý.

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm