Thân vương Philip và Nữ hoàng Elizabeth tiếp đón lãnh đạo Trung Quốc và phu nhân trước buổi yến tiệc ở Cung điện Buckingham, Anh. Ảnh: BBC |
Theo Diplomat, các chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào các thời điểm quan trọng, gây sự chú ý về mặt chính trị và có lợi cho Bắc Kinh. Trong chuyến công du Anh dài 4 ngày, bắt đầu từ hôm 19/10, ông Tập tin rằng chuyến thăm sẽ nâng quan hệ Trung Quốc - Anh lên "một tầm cao mới".
Giáo sư Michel Hockx, giám đốc trung tâm SOAS chuyên ngành nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Đại học London cho rằng, ông Tập Cận Bình đến Anh với mục tiêu kinh tế rõ ràng. “Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và thay đổi bản chất từ nền kinh tế đầu tư sang nền kinh tế tìm kiếm nguồn đầu tư từ các nước khác. Một số lĩnh vực Trung Quốc phải kêu gọi các nước đầu tư là cơ sở hạ tầng, tàu hỏa tốc độ cao. Đó chính là những lĩnh vực Anh đang cần”, ông nói.
Chuyến thăm đầu tiên đến Anh của ông Tập trên cương vị chủ tịch Trung Quốc được người dân Anh và Trung Quốc ca ngợi là sự khởi đầu cho "kỷ nguyên vàng" trong mối quan hệ giữa hai nước.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng Mỹ và Anh - hai nước đồng minh nằm ở hai bờ Đại Tây Dương - đang có sự bất đồng quan điểm trong cách ứng xử trước sự trỗi dậy từ Trung Quốc.
Theo Financial Times, Mỹ đang cố gắng tìm ra điểm cân bằng khi vừa thúc đẩy một mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc vừa cứng rắn với Bắc Kinh trong vấn gián điệp mạng và động thái gây hấn ở Biển Đông. Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron và Bộ trưởng Tài chính George Osborne lại chủ trương thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc và hút thêm vốn đầu tư từ nước này.
Hồi tháng 3 năm nay, mối quan hệ Mỹ - Anh gặp khó khăn khi chính quyền Obama chỉ trích Anh “liên tục dàn xếp” với Trung Quốc. Cáo buộc này được đưa ra sau khi Anh gần như không thông báo với Mỹ khi trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) gia nhập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. AIIB ra đời nhằm đối phó Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.
“Điều khiến chúng tôi bực tức là Anh thực hiện việc đó mà gần như không tham vấn với Mỹ. Anh không chỉ làm suy yếu Mỹ, mà cả nhóm G7”, một cựu quan chức chính quyền Obama nói.
Tìm cách tăng ảnh hưởng sâu rộng ra bên ngoài
Ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tới bang Washington trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9. Ảnh: Reuters |
Diplomat cho hay, chỉ trong 31 tháng kể từ khi đảm nhận chức chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã công du 33 quốc gia trên thế giới. Ông đã thăm Nga 4 lần, hai lần tới Mỹ, 3 lần công du Indonesia. Phần lớn các chuyến thăm đó diễn ra nhân việc ông tham dự các diễn đàn quốc tế như Hội nghị Bandung (Indonesia), Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hay Thế vận hội Mùa đông ở Sochi (Nga).
Ông Tập cũng có những chuyến thăm song phương nhằm mục đích ngoại giao đơn thuần. Đó là chuyến công du Nam Phi năm 2013 diễn ra sau chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Trung Quốc tới Moscow. Ông Tập cũng tới thăm hầu hết các quốc gia Trung Á vào mùa thu năm 2013, một số nước ở Trung Âu vào mùa xuân 2014, khu vực Mỹ Latin năm 2015, Nam Á vào tháng 9 và Australia cùng New Zealand vào cuối năm nay. Chỉ riêng năm 2014, lãnh đạo Trung Quốc nâng số lượng các chuyến thăm tới gần 20 quốc gia.
Diplomat cho rằng, người ta dễ nhận thấy hai điểm khác biệt trong hoạt động ngoại giao của ông Tập. Thứ nhất, danh sách các nước mà ông tới thăm không có Nhật Bản và Triều Tiên. Việc chủ tịch Trung Quốc không tới Tokyo do những bất đồng về phân định hải giới ở biển Hoa Đông kể từ năm 2010 là điều dễ hiểu. Song sự thiếu vắng các chuyến thăm Triều Tiên thực sự là “điều bất thường”.
Lãnh đạo Trung Quốc có thể tới thăm các nước xa xôi, nằm ngoài “vùng quan tâm” của đa số lãnh đạo quốc gia, như Fiji, Maldives, Trinidad và Tobago. Thế nhưng cho tới nay, ông Tập lại chưa có thời gian ngồi một giờ trên máy bay để tới thăm Triều Tiên - một trong những đồng minh ngoại giao được cho là thân cận nhất với Trung Quốc. Thậm chí, “cái cớ hoàn hảo” từ sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên cũng không đủ sức lôi kéo ông Tập tới Bình Nhưỡng.
Bắc Kinh cũng không có chuyến thăm tới bất kỳ quốc gia Trung Đông nào, mặc dù đây là khu vực nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc. Đây cũng là “điểm bất thường”.
Thứ hai, các chuyến công du của ông Tập cho thấy ưu tiên chiến lược của giới lãnh đạo hiện nay ở Trung Quốc. Ông Tập đang nỗ lực thực hiện những chuyến thăm mở rộng tới nhiều quốc gia khác nhau và cam kết các chuyến công du này phải đem lại lợi ích.
Trước thách thức nội bộ mà Trung Quốc đang phải đối mặt như nền kinh tế suy giảm, việc duy trì quan hệ sâu rộng và hiệu quả với thế giới bên ngoài vẫn được xem là ưu tiên cốt lõi của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Truyền thông trong nước cũng góp phần không nhỏ trong việc quảng giao các chuyến thăm của ông Tập. Hình ảnh chủ tịch Trung Quốc đang nhận được nhiều sự khen ngợi từ các nhà đầu tư trên thế giới muốn trở lại Trung Quốc. Bằng cách này, các chuyến công du của ông Tập là một phần trong trò chơi chiến lược của giới lãnh đạo Trung Quốc. Họ đang tự đặt mình là “tay chơi quan trọng, mạnh mẽ nhất thế giới”. Hình ảnh từ các chuyến công du của ông Tập là bằng chứng cho thấy tầm ảnh hưởng mới của nước này đang được công nhận.
Rõ ràng, các chuyến công du của lãnh đạo Trung Quốc đều mang lý do. Thậm chí, ngay cả các quốc gia với số dân đều dưới 10 triệu như Fiji, Maldives, New Zealand và Costa Rica, ông Tập cũng không tới đó để giết thời gian.