Phát biểu tại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập quân đội Philippines (22/12/1935), Tổng thống Philippines Benigno Aquino cam kết dành khoảng 1,77 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm (tới 2017), để tăng cường quân sự trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch trang bị các tàu khu trục mới, tàu hải vận chiến lược, phi cơ hỗ trợ tuần tra tầm xa cùng các thiết bị khác”, Reuters dẫn lời tổng thống Philippines nói. Ông Aquino không thể tranh chức tổng thống Philippines vào năm 2016 theo quy định của hiến pháp,
Tổng thống Phlippines Benigno Aquino duyệt đội danh dự tại căn cứ không quân Clark ngày 21/12. Ảnh: Inquirer |
Lãnh đạo Philippines không đề cập cụ thể tới tranh chấp trên Biển Đông nhưng nhấn mạnh các trang thiết bị được dùng để bảo vệ quyền lãnh thổ của nước này.
Tàu hải vận chiến lược do một xưởng ở Philippines đóng sẽ được vận hành vào đầu năm tới. Trong khi đó, Israel sẽ hoàn tất quá trình sản xuất radar cho Manila trước năm 2017, cùng thời điểm Hàn Quốc bàn giao các chiến đấu cơ cho nước này.
Theo ông Aquino, Mỹ và Nhật Bản đang giúp Philippines tăng cường năng lực quân sự khi “một số quốc gia” ở châu Á đã tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.
Lãnh đạo Philippines nói, chính phủ đã chi 56,79 tỷ peso (1,2 tỷ USD) từ năm 2010 để mua một phi đội máy bay chiến đấu của Nhật Bản và các trực thăng chiến đấu từ Italy. Mỹ đã chuyển giao hai tàu bảo vệ bờ biển cũ và các máy bay vận tải cho Manila.
Quân đội Philippines có tham vọng hiện đại hóa lực lượng trong 15 năm, gồm việc mua lại các tàu khu trục, tàu ngầm và hệ thống tên lửa tiên tiến và radar để đưa lực lượng quân sự sánh ngang các nước láng giềng.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, với giá trị thương mại đạt 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Philippines thách thức yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc bằng cách kiện Bắc Kinh lên tòa quốc tế tại The Hague (Hà Lan). Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa và tẩy chay vụ kiện.