Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trung Quốc đi nước cờ cũ ở Biển Đông'

Trao đổi với Zing.vn, Thạc sĩ Lục Minh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế của SCIS nói, Trung Quốc âm mưu lập vùng đánh cá mới ở Biển Đông không phải là nước cờ mới.

- Ngày 16/12, Đại tá Lê Thanh Vân, Phó tư lệnh tham mưu trưởng Vùng 3 hải quân, cho biết Trung Quốc đang có ý định tạo vùng đánh cá mới trên Biển Đông thông qua việc đưa số lượng lớn tàu đánh cá lấn chiếm vùng biển của Việt Nam. Xin ông cho biết mức độ nguy hiểm của kế hoạch này?

Thạc sĩ Lục Minh Tuấn, Chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. ThS. Lục Minh Tuấn chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại Việt Nam, chính sách đối ngoại Ấn Độ, quan hệ quốc tế xung quanh vấn đề Biển Đông và toàn cầu, là đồng tác giả của các sách chuyên ngành quan hệ quốc tế như "Hợp tác ở Biển Đông từ góc nhìn quan hệ quốc tế" (2014), "Sự hiện diện của các cường quốc ở Biển Đông" (2015).

Mở rộng vùng đánh cá, vì thế đồng nghĩa với mở rộng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Từ việc mở rộng vùng đánh cá, Trung Quốc sẽ mở rộng cả phạm vi áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thường niên và điều lực lượng chấp pháp (hoặc cả hải quân khi cần thiết) ra để thực thi, khẳng định “chủ quyền” của họ, sẵn sàng xung đột với lực lượng chấp pháp của các nước khác. Tính lưỡng dụng của “vùng đánh cá” nằm ở điểm này.

Nhìn rộng hơn, khi “vùng đánh cá” của Trung Quốc ở Hoàng Sa được mở rộng và kết nối được với chuỗi đảo nhân tạo mà họ đang xây dựng ở Trường Sa sẽ tạo nên một hệ thống lưỡng dụng giữa dân sự và quân sự có sự tương hỗ chặt chẽ. Vì các đảo nhân tạo có cấu trúc phù hợp cho cả công tác hậu cần nghề cá, cảng biển lẫn hậu cần cho quân đội. Nói cách khác, “vùng đánh cá” sẽ là cầu nối để Trung Quốc gắn bó hậu cứ ở Hải Nam, Hoàng Sa đến các điểm đảo tiền phương ở Trường Sa. Thế trận “tằm ăn lá dâu” như vậy nếu hoàn thành sẽ rất khó cho việc giải quyết các tranh chấp đang có.

- Nó có phản ánh Trung Quốc đang đi những nước cờ mới trong tham vọng hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông?

- Theo tôi, đây là một bước đi mới, nhưng vẫn là nước cờ cũ của Trung Quốc. Thế trận muốn sắp đặt “sự đã rồi” trên Biển Đông là chiến lược mà Trung Quốc áp dụng từ trước đến nay. Việc Trung Quốc tuyên bố vùng đánh bắt cá của họ xuyên suốt trên toàn Biển Đông đã có từ năm 1993 (từ lệnh đánh bắt cá của chính quyền tỉnh Hải Nam). Và việc họ sử dụng “vùng đánh cá” để hợp pháp hóa các yêu sách bành trướng về chủ quyền cũng đã bị dư luận khu vực và thế giới phản ánh lâu nay. Tuy nhiên, đây lại là một nước cờ cũ trên một bàn cờ có những diễn biến mới – với sự xuất hiện của “chuỗi phòng thủ Nam Hải” hay “chuỗi phòng thủ bán nguyệt” thông qua việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá trên Trường Sa theo hướng quân sự hóa.

Tàu cá của Trung Quốc rầm rộ tiến vào Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã

Tàu cá của Trung Quốc rầm rộ tiến vào Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã

- Việt Nam có thể làm gì để bảo vệ chủ quyền trên biển và đảm bảo nguồn sống cho các ngư dân trên ngư trường truyền thống?

- Việt Nam là một trong những quốc gia luôn nhất quán trong các phát ngôn bác bỏ những tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về Biển Đông, đồng thời cũng là quốc gia có lực lượng hải quân, lực lượng chấp pháp trên biển (lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển) hoạt động hiệu quả nhất trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Biển Đông.

Phát ngôn của chính phủ Việt Nam luôn viện dẫn các điều luật quốc tế, hoặc những quy định pháp lý trong khu vực mà Trung Quốc đã vi phạm (trong khi Việt Nam là bên tuân thủ chặt chẽ). Điều đó không chỉ khẳng định rõ lập trường của Việt Nam, mà còn khai thác điểm yếu pháp lý cũng như sự lỏng lẻo trong lập luận về Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra để tạo nên các diễn đàn ủng hộ từ dư luận khu vực và quốc tế, tạo áp lực ngược lên chính chính phủ Trung Quốc. Tác động về dư luận, truyền thông và pháp lý là những điểm mạnh nhất mà Việt Nam đang thực hiện, và cần phải đẩy mạnh thực hiện.

Ngoài ra, việc củng cố các lực lượng hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển cũng là những nguồn lực cần thiết lúc này. Phải có một lực lượng quốc phòng – an ninh vừa đủ mạnh, Việt Nam mới có thể bảo toàn cả trên mặt trận ngoại giao – pháp lý lẫn trên thực địa. Mối quan hệ tương hỗ giữa ngư dân với các tàu hải quân, tàu chấp pháp cũng là một yếu tố phải tính đến. Một quốc gia có lực lượng hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển mạnh, thì ngư dân sẽ được bảo vệ và yên tâm khi ra khơi, đánh bắt xa bờ, đảm bảo sự khai thác ổn định ở các ngư trường truyền thống. Tránh trường hợp một số quốc gia như Philippines có đồng minh mạnh nhưng lực lượng chính quy lại yếu dẫn đến sơ suất làm mất quyền kiểm soát thực địa bãi cạn Scarborough về cho Trung Quốc năm 2013.

- BBC vừa đăng phóng sự cho thấy ngư dân Trung Quốc hủy diệt các rạn san hô trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong quá trình khai thác thủy sản trái phép. Môi trường Biển Đông sẽ ra sao dưới cách làm của người Trung Quốc?

- Sao chiếu theo những điều Trung Quốc đang làm, về khách quan có thể thấy quá trình khai thác của Trung Quốc trên Biển Đông cũng có những bước mang tính quản lý nhằm bình ổn tài nguyên trong khu vực như việc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá thường niên. Tuy nhiên, trên thực tế, dường như Trung Quốc không quản lý tốt và cũng không đảm bảo được các tiêu chí về phát triển bền vững.

Việc quốc gia gia này tận thu tài nguyên ở nhiều nước trên thế giới, đồng thời cho phép phá hủy các rạn san hô trên Trường Sa chứng tỏ sự lựa chọn thiên về lợi ích quốc gia hơn là đảm bảo phát triển môi trường bền vững của Trung Quốc. Do đó, môi trường Biển Đông sẽ khó được đảm bảo với cách khai thác của người Trung Quốc.

- Ông đánh giá như thế nào về việc Australia đưa máy bay tuần tra Biển Đông với tình hình khu vực?

- Công tác tuần tra chung nhằm đảm bảo an ninh hàng không và hàng hải trên vùng biển quốc tế là một trong những hoạt động hợp tác quan trọng của các quốc gia giáp biển hoặc có lợi ích gắn liền với thương mại đường biển. Việc Australia đưa máy bay tuần tra Biển Đông do đó về bản chất mang tính tích cực.

- Vì sao Canberra không công bố vụ việc mà chỉ thừa nhận về chuyến bay sau khi BBC thông báo?

- Rõ ràng, Australia đã biết người biết ta. Họ hiểu được lập trường nhất quán cũng như chiến lược kiểm soát biển Đông của Trung Quốc, đồng thời họ cũng hiểu ảnh hưởng quan trọng từ nền kinh tế Trung Quốc đến sự phát triển của Australia. Do đó, Australia muốn giảm nhẹ mức độ của việc thực hiện chuyến bay tuần tra trên Biển Đông vừa qua. Đây cũng là một biểu hiệu nước đôi, vừa giảm đi thiệt hại có thể xảy ra trong quan hệ với Trung Quốc, vừa không làm phật ý đồng minh của Australia là Mỹ. Phải nói, đây  là một cách ứng xử dù trên thế bị động nhưng rất khéo léo. Tuy nhiên, cách ứng xử này khó có thể áp dụng nhiều lần.

- Liệu các nước khác, chẳng hạn như Nhật Bản, có tiến hành tuần tra Biển Đông theo động thái của Australia? Xin ông cho biết tác động của nó với yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc

- Australia dù thực hiện việc tuần tra nhưng ngay lập tức đã gặp phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc. Và cách ứng xử nước đôi của Australia cho thấy nước này thực sự đang gặp thế khó trong tình huống này, khác hẳn các hành động công khai và liên tiếp của Mỹ sau chuyến tuần tra của tàu Lassen. Như vậy, nếu dự báo hành động của Australia sẽ tác động thế nào đến việc Nhật Bản quyết định tham gia tuần tra Biển Đông, thì câu trả lời sẽ rất khiêm tốn.

Khác với Australia, Nhật Bản không chỉ đang có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) mà còn đang phải phụ thuộc nhiều vào trữ lượng xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc và các lĩnh vực kinh tế khác. Do đó, Nhật Bản đang dùng nhiều viện trợ quân sự và tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác Đông Nam Á để chia sẻ rủi ro, tránh va chạm trực tiếp với Trung Quốc vẫn là một lựa chọn hàng đầu.

Bà Bonnie Glaser. Ảnh: CCTV

Trao đổi với Zing.vn, bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định, Australia luôn ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải (FON) và là đồng minh thân cận của Mỹ. Tuy nhiên, Canberra tiến hành các hoạt động FON của riêng mình thay vì song hành cùng Washington. Australia vốn không thích phô trương. Trong khi đó, Trung Quốc và nhiều nước khác biết về các hoạt động này.

Nhật Bản đang cân nhắc về các hoạt động tuần tra tương tự Australia và Mỹ ở Biển Đông nhưng Glaser cho rằng Tokyo chưa thể thực hiện trong tương lai gần. Quân đội Nhật Bản đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể ở vùng biển Hoa Đông. Nó khiến lực lượng này bị dàn mỏng.

Nếu lập vùng đánh cá mới, Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Carl Thayer nhận định các tàu hải giám và hải cảnh của Trung Quốc sẽ xua đuổi tàu cá nước ngoài trong vùng đánh cá mới sau khi họ tuyên bố.

Hồng Duy - Hải Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm