Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật, Australia ủng hộ Mỹ trên Biển Đông

Thủ tướng Nhật Bản và Australia tuyên bố phản đối mạnh mẽ những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời ủng hộ sự hiện diện của Mỹ.

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Malcolm Turnbull của Australia diễn ra tại Tokyo hôm qua trong bối cảnh phi cơ ném bom B-52 Mỹ bay qua bãi đá Châu Viên, nơi Bắc Kinh bồi lấp đảo nhân tạo trái phép, hôm 10/12.

Hai nhà lãnh đạo thể hiện "sự phản đối mạnh mẽ" đối với mọi hành động đơn phương và cưỡng bức có thể dẫn tới sự thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Các ông Abe và Turnbull cũng yêu cầu các bên liên quan ngừng hoạt động bồi lấp đảo quy mô lớn và xây dựng cơ sở hạ tầng trên các bãi đá, nhưng không chỉ đích danh Trung Quốc. Hai ông ủng hộ việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông để duy trì thế cân bằng.

Ông Shinzo Abe và ông Malcolm
Ông Shinzo Abe và ông Malcolm Turnbull hội đàm tại Tokyo hôm 18/12. Ảnh: Nikkei

Đây là lần đầu tiên ông Turnbull thăm Nhật Bản từ khi ông nhậm chức thủ tướng hồi tháng 9. Thông qua chuyến thăm, ông muốn khẳng định với Tokyo rằng Australia sẽ tiếp tục duy trì quan hệ song phương giữa hai nước từ thời người tiền nhiệm Tony Abbot.

Mặc dù cam kết đóng góp vào "hòa bình và ổn định" trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tuyên bố chung của Nhật Bản và Australia - hai đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á - sẽ khiến Trung Quốc giận dữ và tăng nguy cơ xung đột, Nikkei nhận định.

Các nguồn tin từ Washington nói Mỹ sẽ không tiến hành các hoạt động đảm bảo quyền tự do hàng hải (FONOP) trong năm nay để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh trong bối cảnh cần tập trung giải quyết tình hình IS và tình hình Trung Đông. Các hoạt động FONOP được cho là sẽ trở lại vào đầu năm tới.

Báo chí Mỹ đã đưa tin về mâu thuẫn giữa Nhà Trắng với Lầu Năm Góc trong lựa chọn chính sách đối với Trung Quốc ở Biển Đông từ mùa hè. Lầu Năm Góc muốn các biện pháp cứng rắn hơn trong khi Nhà Trắng muốn các biện pháp mềm mỏng - điều đã trì hoãn việc quân đội Mỹ tiến hành FONOP tới sát gần cuối năm.

Vụ việc đẩy Nhà Trắng vào thế khó xử bởi họ đang muốn duy trì quan hệ ổn định với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời xoa dịu sức ép từ các nước đồng minh ở châu Á, Lầu Năm Góc và Quốc hội trong việc chống những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

TQ lập hàng rào tàu ngầm để chống tàu sân bay Mỹ

Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về quy mô và chất lượng, mang đến những thách thức cho lực lượng tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương

 

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm