Ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm nay tại Berlin rằng tình hình trên Biển Đông "tương đối ổn định" và kêu gọi các nước bên ngoài khu vực giúp giữ gìn sự ổn định này thay vì gây xung đột.
"Một số quốc gia ngoài khu vực đang quan tâm đến khu vực này và chúng tôi hoàn toàn hiểu điều đó. Nhưng tôi nghĩ rằng các quốc gia cần hỗ trợ các nỗ lực gìn giữ ổn định thay vì làm gia tăng căng thẳng hoặc kích động các nước chống lại nhau", Reuters dẫn lời ông Vương nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: IB Times |
Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay cáo buộc Mỹ có hành vi "khiêu khích quân sự nghiêm trọng" sau khi một máy bay ném bom B-52 vô tình bay vào khu vực 2 hải lý xung quanh đá Châu Viên, một đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông, vào ngày 10/12.
Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh và yêu cầu điều tra vụ việc. Lầu Năm Góc cho biết đang điều tra lý do máy bay B-52 bay gần hơn so với dự kiến và nói rằng thời tiết xấu có thể là nguyên nhân.
Đá Châu Viên nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đá này nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến 1.000 km. Đây là một trong 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc bồi lấp và xây dựng trái phép trong năm qua.
Các hoạt động trái phép của Trung Quốc trên bãi đá Châu Viên trong bức ảnh chụp ngày 15/11/2014. Ảnh: CSIS |
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ hôm nay lớn tiếng cảnh báo rằng các nước bên ngoài không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
"Các quốc gia bên ngoài hoặc không liên quan đến khu vực không nên can thiệp vào những vấn đề này. Điều đó sẽ chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn", ông Le Yucheng, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, phát biểu trong chương trình đối thoại của tờ Deccan Herald về tình hình phát triển của Ấn Độ.
Ông này nói rằng việc các nước thể hiện quyền lực hay sức mạnh sẽ không có lợi cho tình hình an ninh, đồng thời khẳng định Trung Quốc tiếp tục cam kết vì hoà bình khu vực và vùng biển chung. Theo Le, Trung Quốc sẵn sàng tham gia đàm phán và đã ký Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông với các quốc gia ASEAN.
Theo Business Standard, tuyên bố của Le vấp phải ý kiến phản đối của Ram Madhav, lãnh đạo đảng Bharatiya Janata của Ấn Độ. Ông cho rằng Trung Quốc nên thúc đẩy hoà bình trong khu vực như cách mà nước này đã làm để thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Về vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
Biển Đông là điểm nóng về tranh chấp lãnh thổ giữa nhiều quốc gia. Đường 9 đoạn của Trung Quốc – vùng biển trải dài về phía nam và phía đông của đảo Hải Nam, tiếp giáp và thậm chí chồng lấn với vùng biển mà các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền. Hơn một năm nay, Trung Quốc tăng tốc cải tạo và xây dựng trên các đá ở Trường Sa của Việt Nam, khiến nhiều nước lo ngại Bắc Kinh củng cố các cơ sở quân sự ở đây.