Tàu USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ ghé Biển Đông tháng 10/2015. Ảnh: USNavya
|
Năm 2015, hoạt động bồi lấp và xây đảo nhân tạo do Trung Quốc tiến hành trở thành một điểm nóng của thời sự quốc tế. Các nước trong khu vực và nhiều cường quốc đã lên tiếng phản đối, đồng thời có những hành động cứng rắn để thách thức tham vọng chủ quyền của Trung Quốc.
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Trung Quốc đã cải tạo hơn 11,7 km2 tính từ tháng 12/2013 đến tháng 6/2015, với quy mô lớn hơn nhiều so với tất cả các bên liên quan trong 40 năm qua. Bày tỏ lo ngại về hành động của Trung Quốc, chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã so sánh việc bồi lấp đảo như xây dựng "Vạn lý trường thành cát" trên Biển Đông.
Nhiều chuyên gia nhận định, trong năm 2016, một trong những câu chuyện "nóng" ở Biển Đông vẫn là hoạt động cải tạo của Trung Quốc, và việc nước này tiến tới thực hiện quân sự hóa các đảo nhân tạo,
Khả năng quân sự hóa đảo nhân tạo
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia. Ảnh: Getty |
Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, một trong những chiến lược cơ bản của Trung Quốc trong năm 2016 chính là hoàn thiện việc xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông và củng cố những cơ sở hạ tầng đã xây trên các đảo này; đồng thời tiếp tục nhấn mạnh mục đích dân sự của chúng.
Chia sẻ quan điểm trên, TS Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore) cho biết thêm rằng, Trung Quốc có thể sẽ từng bước trang bị những thiết bị lưỡng dụng để phục vụ mục đích dân sự như Bắc Kinh lâu nay vẫn tuyên bố. "Đây cũng là bước chuyển tiếp nhanh chóng cho các mục đích quân sự trong những trường hợp cần thiết", TS Hiệp nhận định.
Trong năm 2015, sau nhiều lần chỉ trích, Mỹ đã chính thức có hành động thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, qua việc điều tàu chiến USS Lassen đến gần một số đảo mà Trung Quốc bồi lấp hồi tháng 10, cho máy bay ném bom chiến lược B-52 qua khu vực này.
Đến nay, những lần phản đối của Trung Quốc trước hoạt động tuần tra để khẳng định tự do hàng hải (FON) của Mỹ đều chỉ thực hiện qua kênh ngoại giao. Tuy nhiên, trong năm 2016, Giáo sư Thayer lo ngại rằng Trung Quốc có thể tận dụng những hoạt động FON là cớ để quân sự hóa các đảo nhân tạo. "Bắc Kinh sẽ rêu rao rằng hành động này nhằm mục đích tự vệ trước việc làm mà Trung Quốc cho là sự đe dọa từ Mỹ", ông Thayer nói.
Trung Quốc xây các công trình lưỡng dụng trên đảo nhân tạo nhằm phục vụ ý đồ quân sự hóa. Ảnh: WSJ |
TS Lê Hồng Hiệp cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc tiến tới công khai quân sự hoá những đảo nhân tạo, mặc dù đến nay Bắc Kinh vẫn phủ nhận khả năng này.
Theo ông, mục đích cuối cùng của Bắc Kinh chính là quân sự hoá các đảo nhân tạo, nên quá trình này chắc chắn sẽ diễn ra “không sớm thì muộn”, hoặc diễn ra dưới một hình thức tinh vi để tránh vấp phải chỉ trích của thế giới.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp. Ảnh: FBNV |
"Họ có thể lắp đặt thiết bị lưỡng dụng nhằm che mắt. Như đường băng là phục vụ mục đích dân sự, cũng có thể triển khai các máy bay quân sự khi cần. Ngoài ra, Trung Quốc còn có trang thiết bị khác như radar, trạm thông tin… không chỉ phục vụ tàu thuyền đánh cá, tàu hải giám, mà còn là các tàu quân sự. Đây là chiêu bài quen thuộc để đánh lạc hướng công luận", TS Hiệp phân tích.
Lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)?
Trên các đảo đá như Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, Trung Quốc đã xây dựng đường băng nhằm tăng cường sự hiện diện của không quân trên Biển Đông. Giới phân tích lo ngại, các đường băng này là cơ sở để Trung Quốc có thể tuyên bố thành lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tương tự việc nước này đã đơn phương thực hiện ở biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013.
Giáo sư Carl Thayer cho biết, Trung Quốc đã thách thức một số máy bay của các nước như Philippines, Australia và Mỹ, với lý do những phi cơ này đang đi vào "khu vực an ninh quân sự"; hoặc thỉnh thoảng họ nói các chuyến bay "đe dọa an ninh" ở các đảo nhân tạo.
Trung Quốc xây đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Nếu tiến tới lập ADIZ, Trung Quốc sẽ mở rộng không phận và áp đặt những hạn chế đối với các máy bay đi qua khu vực này, buộc các phi cơ phải khai báo thông tin và cho phép Trung Quốc kiểm soát lộ trình bay của nó. Nhiều chuyên gia an ninh quốc tế cho rằng, sau khi xây đường băng trên các đảo nhân tạo, việc Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nói với Zing.vn rằng, Trung Quốc có thể sẽ không đơn phương lặp lại bước đi này ở biển Hoa Đông đối với tình hình Biển Đông năm 2016.
"Trung Quốc đang đối mặt với nhiều sức ép quốc tế, nên việc lập ADIZ là điều phải xem xét kỹ lưỡng. Trung Quốc có nên khiêu khích các nước hay không? Chỉ riêng với việc bồi lấp đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã vấp phải phản ứng gay gắt từ các nước. Liệu nước này có sẵn sàng đối đầu với một sức ép mới hay chưa? Đây là điều cần phải theo dõi trong năm 2016", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể thực hiện lập ADIZ nếu họ nhận thấy đây là điều cần thiết và không thể trì hoãn.
Giáo sư Thayer lưu ý, Trung Quốc hiện chưa có cơ sở hạ tầng để thực thi một ADIZ nên Bắc Kinh sẽ chưa thực hiện điều này trong năm 2016. Ông cũng đề cập khả năng, nếu Tòa án Tối cao Philippines phán quyết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng mở rộng Philippines - Mỹ là hợp hiến, thì các máy bay Mỹ sẽ luân phiên đến Philippines.
Bên cạnh đó, trong năm 2016, Philippines cũng bắt đầu nhận máy bay chiến đấu từ Hàn Quốc. "Dựa trên những diễn biến này, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chưa lập ADIZ ở Biển Đông năm 2016", ông nói với Zing.vn.
Đối sách của Mỹ và Nhật Bản
Mỹ đã nhiều lần thực hiện những cuộc tuần tra khẳng định FON trên Biển Đông kể từ năm 2011. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến trước tháng 10/2015, tàu Mỹ chưa từng đi vào vùng 12 hải lý quanh các bãi đá mà Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo. Việc đi vào vùng 12 hải lý mang ý nghĩa quan trọng, vì theo luật pháp quốc tế, những đảo nhân tạo bồi đắp từ các đảo đá ngầm sẽ không được hưởng vùng hàng hải xung quanh nó.
Tàu USS Lassen tuần tra gần đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp hồi tháng 10/2015. Ảnh: RT |
Các nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết, cuộc tuần tra Biển Đông sắp tới của hải quân nước này có thể diễn ra vào tháng 1. Đây sẽ lần thứ hai mà Mỹ thách thức trực tiếp đối với tuyên bố chủ quyền tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Kế hoạch tuần tra cũng sẽ diễn ra định kỳ khoảng hai lần mỗi quý.
Theo giáo sư Thayer, Washington sẽ phải thận trọng tiến hành những cuộc tuần tra FON, cả trên biển và trên không, trong năm 2016. Ông cũng cho rằng, chính quyền Obama sẽ theo đuổi những biện pháp ngoại giao thông qua ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á và Đối thoại Shangri-La để phản bác Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài những cách trên, "tôi nghĩ Washington sẽ không gia tăng áp lực khi ông Obama đang bước vào năm cuối của nhiệm kỳ, trừ khi Trung Quốc thực sự có hành động khiêu khích", giáo sư Thayer nói.
Năm 2016 cũng là năm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra để chọn người kế nhiệm ông Obama. Do vậy, chính sách đối ngoại của những ứng viên hàng đầu đối với tình hình Biển Đông là diễn biến quan trọng mà Trung Quốc và các nước trong tranh chấp ở Biển Đông sẽ theo dõi sát sao. Theo Giáo sư Thayer, "nếu họ đều nhấn mạnh cam kết của Mỹ tại Trung Đông và đối với cuộc chiến chống IS, Bắc Kinh có thể kết luận rằng vấn đề Biển Đông đã giảm bớt sự ưu tiên, từ đó sẽ có những bước đi mới".
Một yếu tố đáng chú ý với tình hình Biển Đông năm 2016 là chính sách của Nhật Bản với khu vực này. Năm 2015 là năm quan trọng đối với chính sách an ninh của Nhật Bản, sau khi chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe công bố cách diễn giải mới cho điều khoản an ninh của Hiến pháp 1947. Theo đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ được tham gia các hoạt động phòng thủ tập thể, qua đó hỗ trợ quân đội nước ngoài trong trường hợp an toàn quốc gia bị đe dọa.
Tàu Harusame của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản và tàu chiến BRP Ramon Alcaraz của Philippines trong cuộc tập trận chung trên Biển Đông vào tháng 5/2015. Ảnh: Reuters |
Điều này cũng mở rộng khả năng hợp tác của Nhật với đồng minh Mỹ. Dù Tokyo nói nước này chưa có kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông, nhưng không phủ nhận khả năng này. Hồi cuối tháng 11, Phó đô đốc Yasuhiro Shigeoka nói Nhật Bản đã sẵn sàng điều tàu chiến đến Biển Đông để giám sát hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc.
Tiến sĩ Patrick Cronin (Trung tâm an ninh Mỹ mới, CNAS) nói với Zing.vn rằng, Mỹ mong muốn Nhật Bản là một phần trong các hoạt động nhằm duy trì ổn định trong khu vực, và có những biện pháp hiệu quả để đối phó với Trung Quốc.
Ông Cronin đánh giá cao vai trò của Nhật Bản trong việc cung cấp các ảnh do thám vệ tinh. Nước này cũng đang tích cực tham gia các tập trận hàng hải quốc tế, như đợt tập trận Mỹ - Nhật - Ấn ở Ấn Độ Dương hồi tháng 10/2015. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang tích cực tham gia cùng các quốc gia khối ASEAN, như hỗ trợ tàu chiến và tập trận cùng Philippines...
Tiến sĩ Patrick Cronin. Ảnh: CNAS |
“Nhật Bản có đủ năng lực để tham gia vào những biện pháp chống lại các hành vi hung hăng, ngang ngược trên biển, hoặc những hành động đi ngược lại điều mà Washington mong muốn. Đó chính là sự hoà bình, ổn định trong khu vực, một trật tự thế giới trong đó Trung Quốc được duy trì bằng luật lệ", Tiến sĩ Cronin nói.
Ông Cronin nhấn mạnh: "Mỹ không kiềm chế Trung Quốc, mà là ngăn cản những hành động sai trái của nước này”.
Theo Tiến sĩ Cronin, sự hiện diện của cả Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông (nếu có) cũng không dẫn đến khả năng căng thẳng có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. "Tuy nhiên, căng thẳng có thể sẽ duy trì lâu dài. Việc Nhật Bản cũng tham gia chắc chắn khiến Trung Quốc nổi giận, có thể kích động chủ nghĩa dân tộc ở nước này".
Giáo sư Thayer cũng nhận định, Nhật Bản sẽ không tự tiến hành một cuộc tuần tra FON trên Biển Đông "trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung đang phát triển theo hướng tích cực". Bên cạnh đó, ưu tiên hiện tại của Nhật vẫn là tình hình ở biển Hoa Đông, nơi các tàu tuần duyên, tàu hải quân và máy bay Trung Quốc vẫn thường xuyên xâm nhập quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư).