Máy bay của hãng hàng không Phương Nam, Trung Quốc, trên đường băng phi pháp ở đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa xã |
Reuters cho biết, Trung Quốc điều hai máy bay đáp xuống đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là khu vực đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Vụ việc xảy ra chỉ 4 ngày sau khi Bắc Kinh thực hiện hành động tương tự.
Trong tuyên bố chính thức, Tân Hoa xã xác nhận việc máy bay hạ cánh diễn ra sáng 6/1 nhưng không đề cập tới các mục đích khác của chuyến bay. Các máy bay cất cánh từ sân bay ở Hải Khẩu, đảo Hải Nam, cách đá Chữ Thập khoảng 1.000 km, rồi quay trở về. Thời gian mỗi lượt bay là 2 giờ.
Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3.000 m. Đây là một trong 3 đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các đá và rạn san hô chiếm đóng của Việt Nam. Hôm 2/1 là lần đầu tiên Trung Quốc cho máy bay đáp xuống đường băng này. Đây cũng là đường băng đầu tiên được sử dụng trong khu vực.
Phản ứng trước việc Trung Quốc đáp máy bay xuống đảo nhân tạo phi pháp hôm 2/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
"Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh ngày 2/1.
Đường băng do Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Mỹ đã lên tiếng quan ngại về việc Bắc Kinh đáp máy bay xuống đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông hôm 2/1 và cho rằng động thái này có thể làm trầm trọng hơn căng thẳng trong khu vực. Nhật và Philippines cũng phản đối hành động của Trung Quốc.
Trước những phản ứng nêu trên, Trung Quốc vẫn tuyên bố các chuyến bay là vì mục đích dân dụng, trong khi các chuyên gia khẳng định chuyến bay quân sự sẽ là bước tiếp theo. Giới quan sát cũng lo ngại Trung Quốc sẽ sớm xây dựng các cơ sở quân sự cho việc xây dựng Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mới.
Đường băng mà máy bay Trung Quốc đáp xuống đủ dài để các loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa hay phi cơ vận tải hạng nặng và chiến đấu cơ tối tân của Trung Quốc hạ cánh. Khi được đưa vào hoạt động, các đường băng này sẽ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á cũng như kiểm soát Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới.