Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 2/2 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng mọi hành động từ cộng đồng quốc tế cần đóng góp cho ổn định chính trị và xã hội của Myanmar, nhằm ngăn gia tăng căng thẳng tình hình.
Một ngày trước, sau khi quân đội Myanmar thực hiện cuộc chính biến và cho bắt giữ hàng loạt nhân vật lãnh đạo dân cử tại nước này, ông Uông cũng đưa ra thông điệp tương tự.
"Trung Quốc là láng giềng hữu nghị với Myanmar. Chúng tôi hy vọng các bên tại Myanmar có thể giải quyết khác biệt một cách phù hợp trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp, đồng thời đảm bảo ổn định chính trị và an ninh", ông nói tại buổi họp báo ngày 1/2 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Xe thiết giáp tại thủ đô Naypyitaw ngày 1/2 sau khi xảy ra chính biến. Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh phát đi tín hiệu ngay trước thềm cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Myanmar. Quân đội nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 năm, gom toàn bộ quyền lực trao lại cho Thống tướng Min Aung Hlaing.
Vụ chính biến xảy ra vào rạng sáng 1/2, sau nhiều tuần phía quân đội cáo buộc có gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020. Kết quả bầu cử vừa qua cho thấy đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã giành chiến thắng áp đảo. Liên minh của bà Aung San Suu Kyi cũng ủng hộ thay đổi hiến pháp năm 2008, qua đó đe dọa vị thế quyền lực của quân đội trên chính trường.
Nhiều nước phương Tây đã yêu cầu quân đội Myanmar lập tức trả tự do cho bà Suu Kyi cùng các quan chức dân cử. Mỹ nhiều khả năng sẽ ra lệnh trừng phạt đối với Myanmar sau vụ chính biến.