Aye Min Thant, nhà báo người Myanmar từng đạt giải Pulitzer, viết trên trang The New Lens. Ngày 1/2, một cuộc chính biến bất ngờ xảy ra tại Myanmar. Quân đội ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc theo mục 417 và 418 của hiến pháp năm 2008.
Từ đầu ngày, Thant bắt đầu cập nhật về cuộc binh biến tại Myanmar trên Twitter của mình, kèm cảnh báo rằng "nếu bạn bỗng dưng không nghe tôi nói gì, có thể bởi Internet đã bị cắt". Cuộc gọi của Zing với Thant qua Internet cũng bị gián đoạn liên tục.
Thông báo của chính phủ Myanmar cho biết rằng tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực trong vòng một năm.
“Tôi cảm thấy rất phi lý khi quân đội quyết định thực hiện cuộc chính biến như vậy. Với quyền lực trong tay, họ chỉ cần đe dọa là đã có thể đạt được mục đích của mình”, Aye Min Thant nói.
"Thông tin không xác thực tràn lan"
Trong thập kỷ vừa qua, quân đội Myanmar (thường được biết đến với tên gọi Tatmadaw) trực tiếp viết nên Hiến pháp của nước này. Theo Thant, quân đội đủ quyền lực để làm bất cứ điều gì họ muốn.
“Tôi đã đi qua 10 toà nhà. Tất cả cờ của chính quyền dân chủ mà tôi từng nhìn thấy ở đó đều bị gỡ xuống”, Thant cho biết.
Thay vào đó, trên đường phố là một vài chiếc xe được gắn cờ Myanmar và phát kèm các bài hát yêu nước. Một chiếc xe khác chở theo các nhà sư và cả người mặc quần áo rằn ri, họ hét các khẩu hiệu ủng hộ Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội và vừa lên nắm quyền.
Quân đội giam giữ cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống đương nhiệm Win Myint và các nhà lãnh đạo khác thuộc Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Sau đó, Myanmar tuyên bố bắt đầu tình trạng khẩn cấp và quyền điều hành đất nước tạm thời được giao cho Thống tướng Min Aung Hliang.
Ba chiếc xe tải vừa đi vừa mở nhạc thể hiện lòng yêu nước. Phía sau xe, một người đàn ông cầm một chiếc kiếm. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Khi cuộc binh biến bắt đầu, quân đội cắt kết nối Internet ở nhiều vùng tại Myanmar. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, nhất là trong thời điểm hiện tại những nỗi lo về đại dịch Covid-19 khiến mạng xã hội trở thành nền tảng tương tác được ưa chuộng nhất.
Người dân đi chợ mua hàng hoá trước diễn biến bất ngờ vào sáng 2/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
“Cũng giống như bao người khác, tôi rất lo sợ. Tôi nhận được rất ít thông tin về cuộc chính biến, và hiện tại tràn lan các thông tin chưa được xác thực”, Thant chia sẻ.
Không chỉ vậy, các khu chợ đông đúc hơn so bình thường.
Hôm qua, các tiệm vàng đều đóng cửa. Ngân hàng cũng đóng cửa. Tuy nhiên, tờ báo được vận hành bởi chính phủ lại thông báo rằng tất cả chỉ là tin đồn.
“Chúng tôi chứng kiến tận mắt ngân hàng đóng cửa. Người ta cố gắng thao túng chúng tôi”, Thant nói. "Như thể bầu không khí siêu thực của buổi sáng nay (2/2) là chưa đủ, một trong những kênh truyền hình địa phương ở Myanmar đã đưa tin về một loạt các thị trấn nghỉ dưỡng để đi nghỉ trên khắp thế giới".
Hiệp hội Ngân hàng Myanmar ra thông báo rằng các ngân hàng nước này đã đồng ý tạm dừng tất cả dịch vụ trong ngày 1/2 với lý do là kết nối Internet yếu. Các ngân hàng sẽ xin phép ngân hàng trung ương được đóng cửa tạm thời, cũng như thông báo thời điểm có thể mở lại dịch vụ. Hai người khác cũng nói với Zing rằng nhiều ngân hàng đã đóng cửa, nhưng không phải tất cả.
Người Myanmar từng tin vào phép màu
Lịch sử Myanmar chứng kiến một hành trình dài đấu tranh kể từ giữa thế kỷ 20. Sau 49 năm cai trị đất nước bởi quân đội, trải qua những cuộc biểu tình lớn nhỏ, năm 2012, quyền lực chính thức được trao cho các lãnh đạo dân cử.
Tuy nhiên, theo điều 436 của Hiến pháp năm 2008, quân đội được nắm giữ 25% ghế trong quốc hội. Sự tranh chấp về quyền lực giữa hai bên khiến cho tình chính trị của nước này trở nên càng bất ổn.
Nhà báo Aye Min Thant cho rằng lịch sử một lần nữa lặp lại, và người dân Myanmar thêm một lần nữa chịu vết thương cũ.
"Dì tôi nói rằng mấy chuyện này xảy ra hệt như những điều dì từng trải hồi nhỏ", Aye Min Thant nói, thêm rằng dì của mình đã gọi cuộc binh biến là một điều "thô lỗ".
Ở bên ngoài đường phố, mọi thứ trông rất im ắng. Người ta không ai nói gì hay bàn tán về tình hình hiện tại. Nhưng trên mạng xã hội, sự phẫn nộ rõ rệt hơn.
Đường phố vắng lặng ở Myanmar. Ảnh: New York Times. |
Từ người công nhân, viên chức cho đến các lứa học sinh, mỗi người viết một chút, chia sẻ cảm xúc cá nhân đến bạn bè, và hơn hết là mong muốn kêu gọi sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế.
Kết thúc cuộc bầu cử năm 2015, ở khắp các ngả đường, người dân ăn mừng với nhau về chiến thắng của chính quyền mới, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ - đảng do Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Nhiều người tràn ngập niềm tin về một tương lai mở cửa và phát triển hơn.
Thant nhận định rằng trong 5 năm qua, vào lúc ban đầu, mọi thứ tưởng chừng như dạt dào hy vọng, nhưng một lần nữa, cuộc khủng hoảng Rohingya đã làm tiêu tan hy vọng của nhiều người dân Myanmar. Tuy nhiên, đã có rất nhiều cải cách về mặt kinh tế, tự do hóa lĩnh vực viễn thông, và giáo dục.
“Có vẻ chúng tôi sắp thành Thái Lan”, Thant cười. Bình thường, người dân đùa với nhau như vậy khi nói về kinh tế. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tất cả đều đồng ý rằng nó còn áp dụng được cho cả vấn đề chính trị nữa.
Người dân ra đường thể hiện sự ủng hộ đối với bà Aung San Suu Kyi vào tháng 12/2019. Ảnh: AFP |
Để xảy ra tình trạng loạn lạc như hiện nay, lý do lớn là hai phe chính quyền không cùng một ý chí. Đối với nhân dân, Thant cho rằng phần lớn ủng hộ hạn chế quyền lực từ tay quân đội.
Tuy nhiên, chưa có ai có thể hình dung được chính phủ mới sẽ như thế nào. Nỗi quan ngại về tương lai ngày càng lớn, và người dân Myanmar không biết bám víu vào đâu. Tất cả lúc này thật mù mịt.