Hôm 17/3, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết mạng Internet có nhiều thông tin sai sự thật nhằm bóp méo quan điểm của nước này, theo South China Morning Post.
Chẳng hạn, mạng xã hội Twitter gần đây lan truyền bức ảnh chụp đoàn xe quân sự Trung Quốc chất đầy đồ đạc và di chuyển trong đêm tại tỉnh Hắc Long Giang hướng về biên giới với Nga, sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Nga đề nghị hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc, bao gồm drone.
Bức ảnh cùng bài đăng trên Twitter bị CAC bác bỏ là tin giả. Ảnh: Weibo. |
Theo một bài đăng trên Twitter, bức ảnh trên do một tài xế chụp đoàn 200-300 xe tải quân đội Trung Quốc di chuyển tại tỉnh Hắc Long Giang ở miền Đông Bắc, gần thị trấn Tuy Phân Hà chung biên giới với Nga.
Nhưng theo CAC, bức ảnh này đã qua chỉnh sửa. Ảnh gốc do quân đội Trung Quốc chụp buổi diễn tập vận tải ban đêm tại Tân Cương và được đăng trên báo lần đầu vào tháng 5/2021.
Ảnh trên Twitter bị cắt bỏ phần trên để khiến tấm ảnh bớt vẻ chuyên nghiệp và giống như do người nghiệp dư chụp.
Chính phủ Nga và Trung Quốc cũng đều bác bỏ thông tin Moscow đề nghị Bắc Kinh hỗ trợ quân sự.
Một thông tin khác cũng được lan truyền rộng rãi là việc chính phủ Trung Quốc năm 2013 từng hứa sẽ “bảo vệ Ukraine trước đòn tấn công hạt nhân”. CAC khẳng định đây là tin giả.
“Trung Quốc chưa bao giờ cam kết sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân giúp Ukraine và chưa bao giờ hứa hẹn sẽ tạo ra ‘chiếc ô che hạt nhân’ cho Ukraine”, CAC nói.
“Truyền thông phương Tây đang cố gắng hưởng lợi từ sự nhầm lẫn này để tô vẽ Trung Quốc là nước không đáng tin cậy, sau khi Trung Quốc từ chối can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”, CAC tuyên bố.