Giá cả các mặt hàng hải sản, từ bình dân đến cao cấp, đang tăng vọt ở Nhật Bản - nhà nhập khẩu hải sản lớn từ Nga, theo Washington Post.
Xứ sở bạch dương cung cấp cá hồi, cua, trứng cá, và nhím biển cho Nhật Bản với giá tốt hơn so với những nhà cung cấp từ châu Âu, Canada, hay thậm chí so với một số ngư dân địa phương.
Tuy nhiên, các hạn chế của Nhật Bản đối với hàng nhập khẩu từ Nga, nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, đã giáng một đòn mạnh vào chuỗi cung ứng hải sản ở đảo quốc này.
Khó khăn chồng chất
Ở Nhật, hải sản là mặt hàng thiết yếu. Do vậy, lệnh trừng phạt áp lên Nga đã làm trầm trọng thêm khó khăn mà các nhà hàng và cửa tiệm vốn đã phải gánh chịu vì đại dịch Covid-19.
Nhập khẩu hải sản từ Na Uy cũng suy giảm do các chuyến bay từ châu Âu phải thay đổi lộ trình hoặc hủy bỏ, sau khi quyền tiếp cận không phận Nga bị hạn chế.
Các chủ nhà hàng và những người bán hàng ở chợ cá cũng lo ngại về việc giá nhiên liệu tăng cao sau khi Nga tấn công Ukraine, và các tác động kéo dài của lệnh trừng phạt Nga.
Một người bán cá ở Ueno, Tokyo ngày 9/2. Ảnh: Charly Triballeau/AFP. |
Áp lực đối với các chợ hải sản và các quán ăn khó có khả năng giảm bớt, đặc biệt sau khi Nhật Bản tuyên bố sẽ hủy bỏ quy chế thương mại “tối huệ quốc” của Nga. Điều này khiến hải sản nhập khẩu từ Nga bị áp thuế cao hơn.
Hiện tại, một số nhà hàng sushi bắt đầu cảm nhận được khó khăn, bao gồm các quán ăn băng chuyền hoặc các nhà hàng bình dân phục vụ sushi với mức giá phải chăng. Họ phải cạnh tranh quyết liệt để có được một số nguyên liệu đang khan hàng, chẳng hạn cá hồi, nhím biển, trứng cá, và cua.
Trong khi các chuỗi cửa hàng lớn có thể dự trữ thực phẩm hàng tháng trời, những cửa hàng nhỏ hơn phải chật vật để làm điều đó. Họ cũng gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa các nhà cung cấp, theo Asahi Shimbun.
“Thật không may, chúng tôi đã phải ngừng phục vụ món cá hồi cực quang nổi tiếng của mình", một nhân viên tại Sushi Choshimaru - một nhà hàng băng chuyền ở Tokyo - cho biết.
“Loại cá này được nhập từ Na Uy, nhưng bây giờ không nhập hàng được nữa vì các chuyến bay (bị ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt). Vì vậy, chúng tôi lúc này đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm cá hồi đông lạnh. May thay, cho đến nay các sản phẩm khác chưa bị ảnh hưởng và chúng tôi còn rất nhiều hàng trong kho”, người nhân viên nói.
Các sản phẩm từ Nga chiếm 8,6% tổng lượng hải sản nhập khẩu vào Nhật Bản trong năm 2021, đưa Nga trở thành nhà xuất khẩu hải sản lớn thứ ba vào đất nước mặt trời mọc, theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản.
Tuy nhiên, đối với một số loại cá, Nga là nhà cung cấp chính, bao gồm 79% cá hồi đỏ, 56% cua và 47% nhím biển được nhập vào Nhật Bản.
Chợ Nishiki ở trung tâm Kyoto. Ảnh: Istock. |
Nhiều chợ hải sản đã bắt đầu phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhím biển từ Nga, đặc biệt là sau đợt thủy triều đỏ hiếm gặp vào năm ngoái ở Hokkaido, đảo lớn phía bắc Nhật Bản. Thủy triều đỏ là hiện tượng tảo có hại nở hoa làm thay đổi màu nước, giết chết nhiều sinh vật, trong đó có nhím biển và cá hồi.
Tại Hokkaido, nơi phụ thuộc vào nhập khẩu cua, nhím biển và cá hồi của Nga, các nhà hàng sushi và chợ hải sản đang bắt đầu tăng giá bán.
Một nhà hàng sushi ở Hokkaido đã giảm một nửa lượng thức ăn cho một suất nhím biển trị giá 5 USD sau khi chuyển sang sử dụng nhím biển nhập từ Canada có giá gấp đôi so với hàng từ Nga.
Chính phủ lên tiếng
Hai trong số những nhà hàng sushi băng chuyền lớn nhất Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại rằng mặc dù có đủ nguồn dự trữ vào lúc này, các biện pháp trừng phạt nếu kéo dài có thể tổn hại hoạt động kinh doanh của họ.
Sushi Choshimaru dự định đưa món cá hồi cực quang trở lại thực đơn sau khi tìm được tuyến đường mới để nhập khẩu hàng từ Na Uy. Tuy nhiên, món ăn này sẽ có giá cao hơn và được phục vụ với số lượng hạn chế.
Tại Fukuoka, một tỉnh phía tây nam Nhật Bản nổi tiếng với mentaiko (món ăn được làm từ trứng cá minh thái), các công ty đang lo ngại về việc tiếp cận cá minh thái (pollock) của Nga. Công ty Fukuya cho biết 80% cá minh thái của họ được nhập khẩu từ Nga.
Mùa mentaiko kéo dài từ tháng một đến tháng tư, và các nhà sản xuất mua nguyên liệu cho cả một năm trong bốn tháng đó.
Trong khi các công ty đã dự trữ nguyên liệu vào tháng 3, các quan chức trong ngành lo ngại việc các lệnh trừng phạt kéo dài có thể hạn chế khả năng tiếp cận nguyên liệu trong tháng cuối cùng của mùa vụ.
Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thăm chợ Toyosu ở Tokyo, một trong những chợ cá lớn nhất thế giới, để gặp gỡ giám đốc điều hành của các công ty hoạt động ở đó.
Ông thừa nhận rằng chính phủ Nhật Bản cần có động thái để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt đối với những doanh nghiệp địa phương.
Chợ cá Toyosu ở Tokyo, Nhật Bản ngày 25/8/2020. Ảnh: Issei Kato/Reuters. |
"Tôi đã nghe (từ các giám đốc điều hành doanh nghiệp) rằng họ đang chật vật trong bối cảnh phải đối mặt với khó khăn từ cả đại dịch Covid-19 lẫn cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, ông Kishida nói trong buổi họp báo sau chuyến thăm.
"(Chính phủ) cần phải có những phản ứng cụ thể hơn", vị thủ tướng nhấn mạnh.