Khi biến chủng Omicron lây lan khắp thế giới, dù ban đầu có những phản ứng mạnh mẽ, hiện nhiều quốc gia nhìn chung áp đặt hạn chế ở mức thấp hơn so với năm 2020 và 2021.
Nhưng Nhật Bản lại chọn một cách tiếp cận khác. Thủ tướng Fumio Kishida đã siết chặt biện pháp kiểm soát biên giới mạnh hơn nhiều so với 2 năm trước.
Công chúng Nhật Bản trở nên cực kỳ nhạy cảm với các chính sách liên quan tới đại dịch sau khi họ cảm thấy thất vọng với những biện pháp phòng Covid-19 trong quá khứ. Channel NewsAsia nhận định chính quyền ông Kishida hiểu rằng độ phổ biến của thủ tướng có mối liên hệ chặt chẽ với số liệu Covid-19.
Chính sách chống dịch nghiêm ngặt
Ngay cả khi đối mặt với đợt bùng phát dịch mới, số ca nhiễm trên đầu người của Nhật Bản thấp hơn khoảng 5 lần so với nhiều quốc gia châu Âu, và ít nhất ba lần so với Australia.
Tỷ lệ tử vong của Nhật giữ ở mức 146 ca trên một triệu người từ ngày 15/11/2021 đến 20/1, và chỉ nhích lên 148 người vào ngày 29/1. Con số này trái ngược hoàn toàn với 2.655 ca ở Mỹ và 2.283 ở Vương quốc Anh.
Trong khi nước láng giềng Hàn chuyển sang chiến lược “sống chung với Covid-19”, Nhật Bản vẫn phản ứng rất mạnh mẽ với Omicron. Omicron thống trị tin tức và chương trình chính trị hàng ngày, mặc dù Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao nhất thế giới với 79% dân số.
Cho đến nay, 34/47 quận của Nhật Bản đã trở lại tình trạng cận khẩn cấp vào cuối tháng một, mặc dù các hạn chế vẫn còn khá lỏng so với tiêu chuẩn quốc tế.
Nhật Bản đóng cửa biên giới với cộng đồng quốc tế. Ảnh: Kyodo. |
Điều này là do cho đến nay, đảng Dân chủ Tự do (LDP) và quốc hội Nhật Bản thiếu ý chí chính trị để sửa đổi Đạo luật về các biện pháp đặc biệt đối với đại dịch cúm và Luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm, trao quyền cho chính quyền trung ương hành động ở cấp độ tương tự phong tỏa và quyền hạn khẩn cấp, giống như các nơi khác tại Đông Á.
Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đều tăng cường năng lực ứng phó với đại dịch từ đợt dịch SARS (2003) và MERS (2014). Nhật Bản không có tên trong danh sách này. Thủ tướng Kishida đã đưa vấn đề vào chương trình nghị sự của ông, nhưng quả thực con đường chính trị thúc đẩy quá trình này sẽ rất gian nan.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 12/2021, Nhật Bản đã thực hiện chính sách biên giới khắc nghiệt hơn so với các đợt dịch trước đó. Về cơ bản, chính sách đóng cửa và từ chối những người không phải công dân Nhật Bản.
Chính sách tân sakoku (tỏa quốc) này chỉ còn được áp dụng ở Trung Quốc. Trong số nhiều du khách bị mắc kẹt, ước tính có khoảng 150.000 sinh viên quốc tế háo hức đăng ký vào các trường đại học Nhật Bản. Một số người đang cân nhắc chuyển sang các trường ở Hàn Quốc.
Các chuyên gia hàng đầu và giám đốc quốc tế của các trung tâm du học Nhật Bản trên khắp thế giới đã tham gia vào bản kiến nghị yêu cầu ông Kishida mở cửa biên giới, do sự bất ổn mà du học sinh phải đối mặt, cũng như thiệt hại đối với danh tiếng toàn cầu của Nhật Bản.
Nhạy cảm với Covid-19
Số ca nhiễm biến chủng Omicron và số ca mắc nói chung đang gia tăng. Công chúng Nhật Bản cực kỳ nhạy cảm với những con số này. Trong cuộc thăm dò vào tháng 12/2021 của Nikkei Asia, những người tham gia được yêu cầu xếp hạng các vấn đề ưu tiên cho thủ tướng. Giải quyết vấn đề Covid-19 đứng thứ hai với 38%, sau những lo ngại về lương hưu, sức khỏe và chăm sóc người cao tuổi (41%).
Trong bài phát biểu ngày 18/1 trước quốc hội, ông Kishida nói phòng chống Covid-19 là ưu tiên hàng đầu - một cam kết nhất quán kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 10/2021. Tuyên bố này đang thúc đẩy xếp hạng chấp thuận của ông, tăng đáng kể từ 56% trong tháng 11/2021 lên 66% vào tháng một.
Lý do ông Kishida có phản ứng mạnh mẽ như vậy đối với Omicron là do cuộc bầu cử thượng viện sắp diễn ra vào tháng 7/2022.
Ông Kishida phải giành chiến thắng để tránh trở thành một thủ tướng “vịt què” (lame duck - từ lóng để chỉ chính trị gia yếu ớt, hay gắn liền với tổng thống sắp mãn nhiệm - PV). Lời kêu gọi thúc đẩy “hình thức chủ nghĩa tư bản kiểu mới” đã khiến ông vấp phải sự chỉ trích từ giới tinh hoa kinh doanh truyền thống và cựu thủ tướng Shinzo Abe.
Nhưng có những lý do sâu xa hơn đằng sau sự nhạy cảm chính trị này. Cách Nhật Bản ứng phó với Covid-19 kể từ khi dịch bắt đầu chủ yếu dựa vào tính gắn kết của xã hội và nỗ lực cấp cơ sở hơn là hành động quyết đoán và hiệu quả của chính phủ.
Người Nhật ban đầu tuân theo các nguyên tắc 3C (tránh không gian kín, nơi đông người và khu vực tiếp xúc gần), nhưng hiệu quả của chúng giảm dần theo thời gian.
Nhiều người phẫn nộ vì chính phủ Nhật Bản tổ chức Olympic hồi vừa hè qua. Ảnh: Reuters. |
Phần lớn công chúng trở nên thất vọng với tính thiếu nhất quán của chính phủ, khó khăn trong tiếp cận xét nghiệm, khẩu trang kém chất lượng do chính phủ tài trợ, chiến dịch tiêm chủng ban đầu chậm chạp, sự cứng nhắc trong quản lý bệnh viện và đối xử với y tá.
Đa số đặc biệt phẫn nộ khi chính phủ khăng khăng muốn tổ chức Olympic.
Trong cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 6/2021, người dân Nhật Bản cho thấy sự bất bình mạnh mẽ nhất trên thế giới khi có tới 62% người được hỏi tin rằng lẽ ra cần phải có nhiều hạn chế hơn đối với hoạt động công cộng.
Con số này so với 21% ở Singapore và 56% ở Mỹ.
Tính nhạy cảm cao của công chúng Nhật Bản với Covid-19 - và đặc biệt hơn là phản ứng của chính phủ - có thể liên quan đến những thay đổi sâu sắc trong xã hội. Các giá trị thay đổi đang khiến nhiều người Nhật đặt câu hỏi về tính tuân thủ với các nhân vật có thẩm quyền và mong đợi sự tự do khỏi cấu trúc nhóm, gia đình và công việc truyền thống.
Họ mong đợi hành động của chính phủ và các quy định hiệu quả để gánh nhiều trách nhiệm hơn.
Cựu Phó thủ tướng Taro Aso ca ngợi ý thức của người dân Nhật Bản là gốc rễ cho cách ứng phó hiệu quả của đất nước với Covid-19. Nhưng nhiều người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - bất bình trước cách chính phủ không hy sinh nhiều cho xã hội.
Mặc dù phản ứng của ông Kishida phù hợp với những kỳ vọng mới trong xã hội, điều này có phần hơi thái quá và gây ra những rủi ro cho mối quan hệ của Nhật Bản với cộng đồng quốc tế.