Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Vén màn những ngày cuối tại Syria của ông Assad

Tổng thống Bashar al-Assad, người cầm quyền Syria với "bàn tay sắt" trong hơn hai thập kỷ, đã âm thầm bỏ trốn trong màn đêm, bỏ lại sau lưng những nhân viên trung thành chờ đợi bài phát biểu không bao giờ được ghi hình.

Khi các nhóm vũ trang của lực lượng đối lập áp sát thủ đô Damascus của Syria vào ngày 7/12, đội ngũ nhân sự trong Dinh Tổng thống bắt đầu chuẩn bị nội dung bài phát biểu mà họ hy vọng sẽ dẫn đến hồi kết hòa bình cho cuộc nội chiến đã kéo dài 13 năm qua.

Các trợ lý của Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu thảo luận thông điệp họ muốn truyền tải. Đội quay phim đã dựng máy quay và hệ thống ánh sáng. Đài truyền hình quốc gia Syria đã lên lịch phát sóng bài phát biểu của ông al-Assad thông báo kế hoạch chia sẻ quyền lực với các thành viên phe đối lập, theo ba nguồn thạo tin.

Tại Dinh Tổng thống, ông al-Assad, người đã cầm quyền suốt hơn hai thập kỷ với bàn tay sắt, không thể hiện chút hoảng sợ nào trước mặt cấp dưới, theo nguồn tin nội bộ tại Dinh.

Nhưng tất cả đều đã bị đánh lừa.

tong thong Assad anh 1

Tấm băng-rôn in ảnh cựu Tổng thống Bashar al-Assad treo ở phía bắc Hama, Syria, đã bị phá hoại sau khi ông bị lật đổ. Ảnh: New York Times.

Khi trời tối, Tổng thống al-Assad lặng lẽ rời thủ đô, lên máy bay đến căn cứ quân sự Nga ở Bắc Syria rồi tiếp tục lên đường đến Moscow, theo 6 quan chức chính phủ và an ninh Trung Đông.

Maher al-Assad, em trai Tổng thống và chỉ huy sư đoàn thiết giáp số 4 phụ trách trấn thủ Damascus, cũng âm thầm rời đi trong buổi tối hôm đó với các sĩ quan quân đội cấp cao khác, băng qua sa mạc đến Iraq, theo hai quan chức Iraq. Hiện vẫn chưa rõ người này ở đâu.

Cách Tổng thống al-Assad rời bỏ đất nước bí mật đến nỗi mà một số trợ lý của ông vẫn ở lại trong cung điện vài giờ sau khi ông đã đi, chờ đợi bài phát biểu không bao giờ được đọc, nguồn tin nội bộ cho biết. Sau nửa đêm, khi thông tin Tổng thống biến mất mới lan rộng, họ mới bỏ chạy trong hoảng loạn, để lại cổng cung điện mở rộng cho lực lượng đối lập tràn vào chỉ vài tiếng sau đó.

Hiện tại, Dinh Tổng thống đang được canh gác bởi chiến binh lực lượng nổi dậy. Tư gia của ông al-Assad cũng đã bị kẻ trộm hôi sạch của. Những người Syria từng trung thành với ông qua nhiều năm giờ đây phẫn nộ vì ông ra đi không một lời từ biệt, bỏ mặc họ tự lo cho chính mình.

Không ai cứu giúp

Vào cuối tháng 11, khi lực lượng vũ trang đối lập ở Tây Bắc Syria phát động cuộc tấn công lớn, vị tổng thống còn đang ở Moscow, nhân dịp con trai cả bảo vệ luận án tiến sĩ.

Nhưng dù có mặt ở thủ đô Nga, ông al-Assad không có mặt tại buổi bảo vệ luận án. Ở quê nhà Syria, lực lượng quân sự mà con trai ông ca ngợi là “anh hùng” đang tan rã trước sự tiến công của quân đối lập.

Ngày 30/11, liên minh quân đối lập được dẫn đầu bởi Hayat Tahrir al-Sham, nhóm Hồi giáo có nguồn gốc từ al-Qaeda, đã chiếm thành phố Aleppo ở phía bắc, gây chấn động khắp Trung Đông. Ông al-Assad lập tức trở về Damascus.

Nhận thức được rằng quân đội của mình đã kiệt quệ sau nhiều năm chiến đấu, ông al-Assad tìm kiếm sự trợ giúp của những quốc gia từng giúp đỡ ông trước đây.

Tại Tehran, các chỉ huy cấp cao trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã tổ chức họp khẩn để tìm cách hỗ trợ ông al-Assad, theo lời ba quan chức Iran. Hai ngày sau khi Aleppo thất thủ, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã đến Damascus để thể hiện rằng tình hình vẫn ổn định. Ông tuyên bố rằng Iran sẽ sát cánh bên ông al-Assad đến cùng.

Nhưng Iran khi ấy không có quá nhiều lựa chọn.

Trong suốt 13 năm nội chiến Syria, Iran và đồng minh là Hezbollah đã huy động lực lượng tới hỗ trợ quân đội của ông al-Assad. Nhưng Hezbollah vừa chịu tổn thất nặng nề khi giao tranh với Israel. Israel cũng đe dọa máy bay Iran bay đến Syria và cả hoạt động điều động lực lượng mặt đất, khiến Iran trên thực tế không còn khả năng hỗ trợ ông al-Assad.

tong thong Assad anh 2

Cuộc xung đột đã tạo ra hàng triệu người tị nạn ở Syria. Ảnh: New York Times.

Bên ủng hộ quan trọng khác của ông al-Assad là Moscow. Nga có duy trì căn cứ quân sự ở miền Bắc Syria và căn cứ hải quân trên bờ biển Địa Trung Hải ở Tartus.

Lãnh đạo Nga đã cố gắng làm trung gian hòa giải giữa ông al-Assad và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người từ lâu đã ủng hộ lực lượng đối lập, dù nỗ lực này không đi đến đâu.

“Không có ý định chiến đấu”

Sau khi giành được Aleppo, lực lượng đối lập tiến về phía nam và tiếp tục hạ Hama, một thành trì quan trọng của chính quyền ông Assad, gây thêm cú sốc lớn.

Tốc độ tiến quân nhanh chóng ấy đã phơi bày tình trạng suy thoái nghiêm trọng trong quân đội chính quyền. Khủng hoảng kinh tế và các lệnh trừng phạt nặng nề đã khiến tiền Syria mất giá, đồng lương binh sĩ giảm còn dưới 30 USD mỗi tháng. Số tử vong quá lớn khiến quân đội phải phụ thuộc nhiều vào lính nghĩa vụ, vốn chỉ được cung cấp số quân nhu ít ỏi và khí tài lạc hậu.

Lực lượng đối lập cũng chủ yếu mang theo vũ khí hạng nhẹ nhưng lại có lợi thế lớn là máy bay không người lái (UAV). Họ không ngừng sử dụng UAV để tấn công các trung tâm chỉ huy, làm quân đội chính quyền tan rã do không tìm được cách đối phó.

tong thong Assad anh 3

Lực lượng đối lập ăn mừng chiến thắng ở Damascus, Syria. Ảnh: New York Times.

Bị sốc trước tốc độ tiến quân của lực lượng đối lập tại Syria, lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, đã cử cố vấn cấp cao bí mật đến Damascus và dặn ông al-Assad câu giờ bằng cách hứa hẹn cải cách chính trị và thành lập chính phủ mới có sự tham gia của phe đối lập, theo lời bốn quan chức Iran.

Ông al-Assad cử bộ trưởng Ngoại giao đến Baghdad để nói với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani rằng sự sụp đổ của mình sẽ gây nguy hiểm cho Iraq, theo ba quan chức khu vực. Ông cầu khẩn Iraq hỗ trợ quân sự, nhưng các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này đều từ chối.

Trong các phát biểu công khai, các quan chức Iran kêu gọi giải pháp ngoại giao. Nhưng theo lời 6 quan chức Iran, Tehran đã kết luận rằng ông al-Assad sẽ không thể trụ vững và bắt đầu thầm rút nhân viên ngoại giao và quân sự khỏi Damascus.

“Họ nói với chúng tôi rằng lực lượng đối lập sẽ đến Damascus vào thứ bảy và họ không có ý định chiến đấu. Người dân và quân đội Syria không còn tinh thần sẵn sàng cho một cuộc chiến nữa. Mọi thứ đã kết thúc”, một công văn lưu hành nội bộ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran viết.

“Không ai tính tới khả năng Damascus thất thủ"

Sáng 7/12, nỗi hoảng loạn bao trùm Damascus. Trong đêm, lực lượng đối lập đã tiến về phía Homs, thành phố lớn thứ ba của Syria và là trung tâm đô thị lớn cuối cùng trên đường tới thủ đô.

Người dân đổ xô đến các cửa hàng để dự trữ lương thực. Một số khác đổ đầy xăng cho xe rồi lên đường rời thành phố.

Tình hình đã rõ: Lực lượng của ông al-Assad đang tan rã. Chiến binh lực lượng đối lập khoác đồng phục quân đội chính quyền đã tiếp cận Homs trên những chiếc xe dán hình chân dung ông al-Assad. Các nhóm vũ trang khác đã chiếm được các trạm kiểm soát quân sự ở Daraa, phía nam Damascus. Một báo cáo cho biết một số binh sĩ đã bỏ lại xe bọc thép và vũ khí khi chạy trốn.

“Chúng đang lên kế hoạch kiểm soát toàn bộ khu vực phía nam và sau đó tiến đến thủ đô”, một báo cáo khác viết. “Điều này sẽ xảy ra trong vòng vài giờ”.

tong thong Assad anh 4

Chiếc xe tăng bị bỏ lại ở ngoại ô Hama, Syria, một thành trì của chính quyền ông Assad mà lực lượng đối lập đã chiếm giữ. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, tâm lý báo động ấy không lan đến Dinh Tổng thống, theo lời người ở đây. Ông al-Assad và nhân viên vẫn làm việc trong văn phòng, cố gắng xử lý cuộc khủng hoảng mà họ chưa nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm trọng.

“Họ vẫn cố vẽ ra các kịch bản và không ai đề cập đến khả năng Damascus thất thủ”, nguồn tin kể.

Nhân viên Dinh Tổng thống đã dành cả ngày để chờ đợi bài phát biểu mà ông al-Assad dự định ghi hình, hy vọng rằng bài phát biểu này sẽ ngăn cản lực lượng đối lập tiến công.

“Có rất nhiều người trong cung điện nói rằng đã đến lúc ông ấy xuất hiện, để ủng hộ quân đội, trấn an người dân”, nguồn tin kể.

Nhưng buổi ghi hình cứ liên tục bị trì hoãn không lý do. Đến xế chiều, mọi người trong Dinh Tổng thống không còn biết rõ ông al-Assad đang ở đâu. Tới tối, lực lượng nổi dậy đã vào được Homs.

“Thiêu hủy mọi thứ”

Tổng thống al-Assad sống cùng vợ và ba con trong khu biệt thự hiện đại bốn tầng được bao quanh bởi những cây cọ và đài phun nước ở khu phố al-Maliki, Damascus. Gia đình ông al-Assad thường sống khá yên lặng, cho tới rạng sáng 8/12.

“Mọi người mau chạy đi! Họ đang đến”, một người hàng xóm nhớ lại tiếng hét của những người lính canh gác tại tư dinh của ông Assad. “Ông ta đã bỏ mặc chúng ta”.

tong thong Assad anh 5

Một chiến binh của lực lượng đối lập trong văn phòng cố vấn cấp cao lâu năm của ông Bashar al-Assad tại Dinh Tổng thống bị bỏ hoang. Ảnh: New York Times.

Sự hỗn loạn cũng bao trùm một chi nhánh tình báo không quân, theo lời binh sĩ có tên Mohammed. Nhưng khi màn đêm buông xuống, mệnh lệnh thay đổi.

“Thiêu hủy tất cả: Tài liệu, hồ sơ và ổ cứng”, Mohammed nhớ lại lời chỉ huy. “Lúc đó, tôi và các đồng đội đều cảm thấy rằng chế độ đang sụp đổ”.

Anh thay quần áo dân sự và rời khỏi căn cứ.

Bên trong Dinh Tổng thống, các trợ lý của ông al-Assad vẫn ngồi chờ đợi bài phát biểu. “Không ai nghĩ rằng ông ấy đã chạy trốn”, một nguồn tin kể lại.

Sau nửa đêm, họ nhận được cuộc gọi nói rằng tổng thống đã trốn thoát. Sau đó, trưởng bộ phận an ninh khu vực cũng thông báo rằng các lính gác đã bỏ đi. Nghe vậy, nguồn tin vội vã rời đi, trong lòng kết luận rằng có thể chưa từng có kế hoạch phát biểu nào. Đó có thể chỉ là mưu mẹo để đánh lạc hướng nhân viên trong khi ông al-Assad bí mật rời đi.

“Ông ấy đã lừa chúng tôi”, người này nói.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...

Ông Assad lần đầu lên tiếng kể từ khi rời khỏi Syria

Cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad lần đầu tiên phát ngôn công khai kể từ khi rời khỏi đất nước.

Mỹ ‘chìa cành ô liu’ với phe đối lập Syria

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận rằng nước này đã trực tiếp liên lạc với nhóm vũ trang đối lập HTS, dù HTS bị liệt vào danh sách tổ chức khủng bố của Washington.

Israel vẫn không kích dù phía Syria đã tuyên bố không đối đầu

Israel đã thực hiện hàng chục cuộc không kích nhằm vào Syria trong đêm, dù lãnh đạo lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) tuyên bố không muốn đối đầu.

Lạc Chi

Bạn có thể quan tâm