Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Xung đột Nga - Ukraine và bài toán khó của kinh tế thế giới

Tăng trưởng chậm lại khi lạm phát tăng cao vốn đã là bài toán khó của các nền kinh tế trên thế giới. Xung đột Nga - Ukraine càng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng.

"Cuộc xung đột sẽ tác động mạnh mẽ lên giá của một loạt hàng hóa từ dầu khí, palladium đến lúa mì. Điều này có thể ảnh hưởng tới chi phí sinh hoạt và túi tiền của người tiêu dùng", chuyên gia tài chính Craig Erlam bình luận với Zing về ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với các thị trường và nền kinh tế trên toàn cầu

"Câu hỏi đặt ra là đà tăng giá kéo dài đến mức nào, giá sẽ duy trì ở ngưỡng cao trong vòng bao lâu, và giá cả leo thang có kéo theo suy thoái kinh tế hay không", ông Erlam lập luận.

Kinh te the gioi anh 1

Xung đột Nga-Ukraine đẩy giá của mọi mặt hàng từ dầu khí, palladium đến lúa mì tăng vọt. Ảnh: Reuters.

Giáng đòn chí mạng

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Saudi Arabia, và là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nga cũng sản xuất và xuất khẩu khí tự nhiên.

Phần lớn sản lượng dầu nước này được xuất khẩu sang châu Âu và châu Á. Cuộc xung đột Nga - Ukraine và những lệnh trừng phạt của phương Tây giáng vào kinh tế Nga đã đẩy giá dầu thế giới lên mức cao kỷ lục.

Xung đột Nga - Ukraine cũng thúc đẩy giá của các mặt hàng khác leo thang, tạo thêm áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang lao đao, khiến nhiều công ty xuất khẩu hứng chịu chi phí tăng cao.

Bất ổn cũng ảnh hưởng tới chi tiêu của hộ gia đình bởi triển vọng tăng trưởng ảm đạm và giá cả leo thang. Các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn như Ai Cập đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Nguyên nhân là giá tăng cao, nguồn cung dầu hướng dương và lúa mì từ Nga bị hạn chế.

Các nhà kinh tế thậm chí còn cảnh báo về nguy cơ đình lạm, tức tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi lạm phát leo thang. Giới quan sát từng cho rằng tại những cuộc họp ấn định tỷ giá vào tuần tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nhanh chóng loại bỏ các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa.

Nhưng giờ, các nhà đầu tư cho rằng hai cơ quan này sẽ trở nên thận trọng hơn bởi những rủi ro kinh tế mới.

"Xung đột ở Ukraine sẽ tiếp tục đẩy áp lực lạm phát lên mức khó chịu đối với các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới. Rủi ro lạm phát tăng cao, nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái sớm hơn so với dự kiến", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) bình luận với Zing.

Xung đột ở Ukraine sẽ tiếp tục đẩy áp lực lạm phát lên mức khó chịu đối với các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới. Rủi ro lạm phát tăng cao, nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái sớm hơn so với dự kiến

Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ)

Theo ông, xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng vọt lên hơn 50% so với mức bình thường. Điều đó sẽ làm tê liệt nhiều nền kinh tế.

Theo chuyên gia Christopher Smart, quan chức Bộ Tài chính và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, tình trạng bất ổn hiện tại gợi nhắc tới sự sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9/2008.

"Đó là đòn giáng toàn diện, mạnh mẽ và đột ngột áp đặt lên một nền kinh tế có quy mô lớn và quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu", ông nhận xét.

Các nước châu Âu, vốn phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đang đối mặt với cuộc suy thoái thứ 3 trong vòng 2 năm. Theo dữ liệu của ECB, chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng châu Âu đều thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.

Theo Capital Economics, cuộc chiến ở Ukraine có thể làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng EUR tới 2 điểm phần trăm. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với doanh nghiệp Nga, làn sóng rút lui của doanh nghiệp và suy thoái kinh tế ở Nga sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu từ khu vực đồng EUR sang Nga.

Nền kinh tế Mỹ có triển vọng lạc quan hơn, bởi Mỹ vẫn là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và khoản tiết kiệm hộ gia đình còn khá lớn. Nhưng ngay cả ở Mỹ, lạm phát tăng cao vẫn có khả năng ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng.

Bài toán khó

Theo chuyên gia tài chính Craig Erlam, những bất ổn sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2022. Nhưng mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào diễn biến cuộc chiến ở Ukraine. "Mọi thứ có thể rõ ràng hơn vào những tuần và tháng tới", vị chuyên gia dự báo.

"Ở thời điểm hiện tại, các thị trường biến động dữ dội phản ánh quá nhiều sự không chắc chắn", ông Erlam nói thêm.

"Ngay từ trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, châu Âu đã mất đà phục hồi kinh tế. Đà tăng giá phi mã của hàng hóa mềm (cà phê, ca cao, đường, ngô, lúa mì, đậu tương), kim loại và năng lượng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay", ông Moya nhận định với Zing.

Trong khi đó, theo ông, nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng. Điều này giúp FED tiếp tục thực hiện thắt chặt các chính sách tiền tệ. "Còn ECB sẽ cần cẩn trọng hơn trong kế hoạch thắt chặt, bởi triển vọng tăng trưởng đang ngày càng trở nên u ám bởi những bất ổn kéo dài", vị chuyên gia tại Oanda nhận định.

Kinh te the gioi anh 4

Các ngân hàng trung ương lớn đối mặt với bài toán khó khi tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh giá cả leo thang. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc họp sắp tới tại Frankfurt, các quan chức ECB có thể sẽ hành động thận trọng, ngay cả khi lạm phát đã tăng lên 5,8% vào tháng 2, gần gấp 3 lần mục tiêu 2% của cơ quan này.

Các nhà đầu tư cho rằng ECB sẽ nâng lãi suất cơ bản 0,1 điểm phần trăm vào tháng 12, thay vì mức tăng 0,5 điểm phần trăm như dự báo cách đây một tháng.

"Cuộc xung đột Nga - Ukraine tạo ra bài toán khó cho các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Tuy nhiên, những cơ quan này vẫn cần gấp rút giải quyết vấn đề lạm phát và kế hoạch sẽ khó thay đổi trong ngắn hạn", chuyên gia tài chính Craig Erlam bình luận.

Ông cho rằng FED sẽ nâng lãi suất 25 điểm cơ bản trong mỗi cuộc họp sắp tới. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng có động thái tương tự, còn ECB dừng mua tài sản chuẩn bị cho những đợt nâng lãi suất vào cuối năm nay hoặc năm sau.

Trung Quốc có thể giúp Nga thoát đòn trừng phạt kinh tế từ phương Tây?

Nền kinh tế Nga có thể dựa vào Trung Quốc nhằm chống đỡ các lệnh trừng phạt mạnh tay từ những quốc gia phương Tây. Nhưng Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn để giúp đỡ Moscow.

Các nước châu Âu chật vật giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga

Nga cảnh báo giá dầu có thể vọt lên 300 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu năng lượng. Các nước châu Âu cũng gấp rút ngăn cản lệnh trừng phạt đối với dầu khí Nga.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm