Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc có thể giúp Nga thoát đòn trừng phạt kinh tế từ phương Tây?

Nền kinh tế Nga có thể dựa vào Trung Quốc nhằm chống đỡ các lệnh trừng phạt mạnh tay từ những quốc gia phương Tây. Nhưng Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn để giúp đỡ Moscow.

"'Liệu Trung Quốc có thể giúp Nga chống đỡ các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây?'. Đó là câu hỏi lớn kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine vào tuần trước", nhà báo Laure He của CNN viết.

Theo CNN, trong những năm qua, Trung Quốc và Nga đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ. Hồi năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "người bạn tốt và thân thiết nhất".

Nhưng đó là trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine và hứng chịu các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây. Giờ, Trung Quốc khó có thể giúp đỡ Nga. Giới quan sát tin rằng Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn.

Kinh te Nga anh 1

Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây sau khi phát động cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: Reuters.

Không nhiều lựa chọn

Bắc Kinh đã không vội giúp đỡ Nga khi nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mạnh tay trên khắp thế giới. Ông Guo Shuqing - Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc - khẳng định Trung Quốc không tham gia vào những đòn trừng phạt, nhưng cũng không đưa ra bất cứ biện pháp hỗ trợ nào.

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (được Bắc Kinh hậu thuẫn) cho biết sẽ dừng mọi hoạt động ở Nga.

Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Nga đã ký 15 thỏa thuận, trong đó có các hợp đồng mới với những tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, Gazprom và Rosneft. Trung Quốc cũng đồng ý dỡ bỏ tất cả hạn chế nhập khẩu đối với lúa mì và lúa mạch của Nga.

Theo số liệu chính thức, năm ngoái, 16% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Nga. Nga là nhà cung cấp lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ đứng sau Saudi Arabia. Khoảng 5% khí đốt tự nhiên của Trung Quốc cũng được nhập khẩu từ Nga.

Chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây để hỗ trợ Nga

Neil Thomas, nhà phân tích về Trung Quốc tại Eurasia Group

Trong khi đó, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Nga mua khoảng 70% chất bán dẫn từ Trung Quốc. Nga cũng nhập khẩu máy tính, điện thoại thông minh và linh kiện xe hơi của đất nước 1,4 tỷ dân.

Các ngân hàng của Nga cũng tham gia Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc - một giải pháp thay thế tiềm năng cho SWIFT.

"Trung Quốc và Nga có chung lợi ích chiến lược trong việc thách thức phương Tây. Nhưng xung đột Nga-Ukraine đã đặt tình bạn giữa hai quốc gia vào thử thách", CNN nhận định.

"Chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây để hỗ trợ Nga", ông Neil Thomas - nhà phân tích về Trung Quốc tại Eurasia Group - nhận định.

Bắc Kinh cũng còn những ưu tiên khác. Theo tính toán của CNN Business, nền kinh tế thứ hai thế giới là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, chiếm 16% giá trị ngoại thương. Nhưng với Trung Quốc, Nga kém quan trọng hơn nhiều.

Thương mại giữa hai quốc gia chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Liên minh châu Âu và Mỹ có tỷ lệ lớn hơn nhiều.

Lo ngại trừng phạt

Các ngân hàng và công ty Trung Quốc cũng lo ngại về những lệnh trừng phạt thứ cấp nếu làm ăn với các doanh nghiệp Nga. "Hầu hết nhà băng Trung Quốc không thể đánh mất quyền tiếp cận với đồng USD. Nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc rất cần công nghệ Mỹ", ông Thomas lập luận.

Theo ông Craig Singleton - chuyên gia tại Foundation for the Defense of Democracies, các doanh nghiệp Trung Quốc "rất dễ bị phương Tây giám sát chặt chẽ" nếu tìm cách hỗ trợ Nga trốn tránh những lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

"Nền kinh tế và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã chịu áp lực rất lớn trong những tháng gần đây. Do đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tìm cách vừa công khai ủng hộ Nga, vừa không gây phản cảm với giới chức trách phương Tây", ông nói thêm.

Reuters đưa tin hoạt động nhập khẩu than từ Nga sang Trung Quốc bị đình trệ do người mua không thể đảm bảo nguồn vốn từ các ngân hàng nhà nước do lo ngại về những lệnh trừng phạt quốc tế.

Theo giới chuyên gia, ngay cả khi Trung Quốc muốn hỗ trợ Nga trong các lĩnh vực không bị áp lệnh trừng phạt, chẳng hạn năng lượng, Bắc Kinh có thể phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng.

Các doanh nghiệp Trung Quốc rất dễ bị phương Tây giám sát chặt chẽ nếu tìm cách hỗ trợ Nga trốn tránh những lệnh trừng phạt từ phía Mỹ

Craig Singleton, chuyên gia tại Foundation for the Defense of Democracies

“Các biện pháp trừng phạt tài chính mà phương Tây áp lên Nga tạo ra những ràng buộc đáng kể đối với các giao dịch giữa Nga và Trung Quốc, ngay cả khi đó không phải là những hạn chế trực tiếp", ông Mark Williams - chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á tại Capital Economics - nhận định.

Một số nhà quan sát cho rằng CIPS của Trung Quốc có thể được Nga sử dụng như một giải pháp thay thế. Bởi hiện đã có 7 ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT.

Nhưng CIPS có quy mô nhỏ hơn nhiều. Chỉ 75 ngân hàng tham gia trực tiếp hệ thống này. Còn ở SWIFT, con số lên tới 11.000 tổ chức. Khoảng 300 tổ chức tài chính của Nga đã tham gia SWIFT. Để so sánh, chỉ 20 ngân hàng Nga kết nối với CIPS.

Trung Quốc cũng không thể thay thế nguồn cung công nghệ của Mỹ. Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ và hàng hóa nước ngoài được chế tạo bằng công nghệ Mỹ sang Nga.

Nga chủ yếu nhập khẩu chip máy tính cấp thấp từ Trung Quốc, thường được sử dụng trong ôtô và thiết bị gia dụng. Nhưng cả Nga và Trung Quốc đều phụ thuộc vào Mỹ đối với những chip cao cấp sử dụng cho hệ thống vũ khí tiên tiến.

Điều đó có thể khiến các công ty công nghệ Trung Quốc, nhất là những tập đoàn lớn, phải thận trọng hơn nữa trong các giao dịch tiềm năng với Nga. "Một số công ty nhỏ của Trung Quốc không phụ thuộc vào đầu vào của Mỹ có thể thay thế Mỹ và đáp ứng nhu cầu công nghệ của Nga", ông Thomas từ Eurasia Group nhận định.

“Tuy nhiên, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc sẽ thận trọng hơn để tránh trường hợp giống như Huawei - công ty bị Mỹ trừng phạt bằng cách chặn quyền tiếp cận với những chất bán dẫn cao cấp", ông nói thêm.

Các nước châu Âu chật vật giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga

Nga cảnh báo giá dầu có thể vọt lên 300 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu năng lượng. Các nước châu Âu cũng gấp rút ngăn cản lệnh trừng phạt đối với dầu khí Nga.

Triển vọng kinh tế toàn cầu u ám vì xung đột Nga - Ukraine

Cuộc xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp cấm vận Moscow đe dọa cản đường phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau thời gian lao đao vì đại dịch Covid-19.

Gia vang kho tang tuan toi hinh anh

Giá vàng khó tăng tuần tới

0

Biến động của giá vàng thế giới sẽ tác động trực tiếp tới giá vàng trong nước. Trong cuộc khảo sát mới nhất, các chuyên gia Phố Wall dự báo giá kim quý sẽ đi ngang tuần tới.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm