Những sự kiện duyệt binh thường là màn phô trương chính thức về sức mạnh quân sự, để mỗi người dân Triều Tiên tỏ lòng kính trọng tới nhà lãnh đạo của họ. Cuộc diễn tập được chỉ đạo chặt chẽ và sai lầm là điều không được dung thứ.
Nhưng cuộc duyệt binh vào ngày 10/10 có thể là một phần của kế hoạch khiêu khích. Cụ thể hơn, đây có thể là cơ hội để phô trương tên lửa và vũ khí mới, dù Triều Tiên đang bị cấm vận kinh tế, BBC cho biết.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trong cuộc duyệt binh năm 2017. Ảnh: AP. |
Bình Nhưỡng đã không giới thiệu bất kỳ tên lửa đạn đạo nào trong các cuộc duyệt binh kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm 2018.
Hội nghị thượng đỉnh lần 2 vào tháng 2/2019 đã không đạt được thỏa thuận mới. Bình Nhưỡng đã nối lại thử nghiệm một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Cuộc duyệt binh quy mô lớn vào ngày 10/10 để kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ chỉ còn vài tuần là bước vào bầu cử tổng thống.
Liệu Bình Nhưỡng có tận dụng sự kiện này để làm sáng tỏ và chứng minh họ có vũ khí đủ sức tấn công Mỹ?
Cuộc duyệt binh lớn nhất lịch sử
Lee Sang Yong, Tổng biên tập của tờ Daily NK, một trang web có trụ sở tại Seoul, dự đoán quy mô cuộc duyệt binh năm nay sẽ rất lớn. Theo ông Lee, ngay từ tháng 3, Bình Nhưỡng đã ra lệnh cho quân đội huy động 32.000 binh sĩ. Quy mô cuộc duyệt binh lớn đến mức mỗi địa điểm tập luyện đều phải được mở rộng.
“Sân bay Mirim ở Bình Nhưỡng hiện có 2 con đường và 10 tòa nhà mới, vì vậy tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) được trưng bày tại duyệt binh”, ông Lee nói.
Ngoài ra, 600 sinh viên và nhà nghiên cứu từ Đại học Kim Il Sung cũng sẽ tham gia sự kiện. Đây là một con số đáng quan tâm, bởi đại học này là nơi Triều Tiên đào tạo những tài năng mới về công nghệ tên lửa. Bằng cách cho sinh viên và chuyên gia tham gia duyệt binh, Triều Tiên đang cố gắng tạo ra niềm tự hào và sự tôn trọng đối với các tài năng trẻ.
Jeongmin Kim, nhà phân tích của NK News, cho biết Triều Tiên không phải lúc nào cũng sử dụng những sự kiện này để chứng minh quan điểm với thế giới bên ngoài.
Thay vào đó, "Bình Nhưỡng cố gắng thể hiện cho người dân của mình bằng những cuộc duyệt binh quy mô lớn, với những khẩu hiệu tuyên truyền đầy tinh thần, rằng họ đang ổn, bất chấp những gì diễn ra trong năm nay”, ông Kim nói.
Pháo tự hành của Triều Tiên tại cuộc duyệt binh năm 2018. Ảnh: Getty. |
Tương tự như các sự kiện duyệt binh trước đây, nhà lãnh đạo Kim Jong Un hoặc quan chức cấp cao nào đó sẽ có bài phát biểu, có thể liên quan đến một số thông điệp nhắm vào thế giới bên ngoài. Chẳng hạn Triều Tiên sẽ không chờ đợi việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt và sẽ tập trung vào tự lực cánh sinh.
Ẩn số về đại dịch Covid-19
Trong khi giới phân tích chờ đợi sự xuất hiện của các loại ICBM mới, ngày càng nhiều lo ngại về phúc lợi của 25 triệu người dân Triều Tiên. Năm 2020 là một năm tồi tệ với hầu hết quốc gia trên thế giới, nhưng Triều Tiên có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Bình Nhưỡng đã đóng cửa biên giới với thế giới bên ngoài vào tháng 1 để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 từ Trung Quốc. Nhà chức trách được cho là đã ban hành lệnh nổ súng dọc theo biên giới, tạo ra một vùng đệm để ngăn chặn bất kỳ ai có ý định nhập cảnh vào nước này.
Triều Tiên tuyên bố không có ca mắc Covid-19 nào, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong Un liên tục tổ chức các cuộc họp cấp cao để đảm bảo các hạn chế nghiêm ngặt vẫn được áp dụng.
Ngoài đại dịch, Triều Tiên cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Truyền hình nhà nước đã dành các buổi chiều để chiếu video về những nỗ lực anh hùng trong việc khắc phục thiệt hại do bão gây ra. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã ra lệnh toàn quốc thúc đẩy nền kinh tế mà ông mô tả là “cuộc chiến kéo dài 80 ngày”.