Giới quan sát quốc tế đang theo dõi sát sao lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên sẽ diễn ra ngày 10/10. Điều được mong chờ nhất là thông điệp mà ông Kim Jong Un gửi tới người dân trong và ngoài nước.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đang đứng trước thử thách lớn, khi các cam kết phát triển kinh tế đất nước của ông không thành hiện thực như mong đợi vì những lệnh trừng phạt quốc tế. Tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa cũng bị đình trệ. Thiên tai và đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở nước này, gây thiệt hại cả về người và của, theo Reuters.
Các nhà phân tích cho rằng lễ kỷ niệm sẽ bao gồm những hoạt động như hội họp, triển lãm mỹ thuật và công nghiệp, trình diễn nghệ thuật bằng ánh sáng, thăm các di tích lịch sử quan trọng và dự những buổi lễ khánh thành công trình xây dựng.
Triều Tiên từng phô diễn tên lửa trong một số lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động trước đây. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, ngày càng nhiều đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể tổ chức duyệt binh để phô diễn tên lửa đạn đạo lớn nhất nước này. Đây sẽ là lần đầu tiên một sự kiện như vậy được tổ chức kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau lần đầu vào năm 2018.
Lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên được tổ chức chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Giới phân tích cho rằng ông Kim có thể tận dụng cuộc duyệt binh này để thể hiện lập trường cứng rắn hơn mà không cần phải hành động khiêu khích, như thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa tầm xa.
"Bất ngờ tháng 10" của ông Kim Jong Un
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết trong năm 2020 sẽ tiết lộ "vũ khí chiến lược" mới để đối phó với áp lực ngày càng tăng từ phía Mỹ. Ông Kim đổ lỗi áp lực này là điều khiến tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ.
Triều Tiên được cho là đang phát triển một tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo và có thể sẽ tiến hành thử nghiệm. Tuy nhiên, trong một báo cáo gần đây gửi đến tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, hai cựu sĩ quan tình báo Mỹ cho rằng ông Kim có thể tiết lộ vũ khí lợi hại hơn tại cuộc diễu binh.
"Nếu ông ấy đưa ra 'bất ngờ tháng 10' trong năm nay thì chưa chắc đó sẽ là tàu ngầm hay tên lửa đạn đạo phiên bản cũ. Nó có thể là dạng tên lửa mới được trưng bày trên đường phố Bình Nhưỡng", báo cáo viết.
Trong các cuộc duyệt binh trước đó, Triều Tiên đã công bố tên lửa, hoặc mô hình tên lửa, mà nước này chưa thử nghiệm. Truyền thông Hàn Quốc dẫn các nguồn tin tình báo giấu tên cho biết họ đã phát hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), với kích thước lớn nhất trong số tên lửa từng được thử nghiệm, ở các cơ sở gần Bình Nhưỡng.
Melissa Hanham, Phó giám đốc tổ chức Mạng lưới Hạt nhân Mở, nhận định điều này hé lộ Triều Tiên có thể ra mắt hệ thống tên lửa được đặt trong các thùng chứa tương tự loại được trình diễn trong cuộc duyệt binh năm 2017.
"Vào thời điểm đó, Triều Tiên được cho là đang chế tạo một ICBM chạy bằng nhiên liệu rắn", bà Hanham nói thêm.
Người dân ở Hàn Quốc xem tin tức về vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên hồi tháng 7/2019 ở Seoul. Ảnh: Reuters. |
Trong một số trường hợp, vũ khí nhiên liệu rắn dễ bảo quản và có thể được triển khai nhanh hơn so với hệ thống sử dụng nhiên liệu lỏng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ các thùng chứa được trưng bày năm 2017 có tên lửa bên trong hay không.
Dù ra lệnh dừng các vụ thử hạt nhân và phóng ICBM, ông Kim cũng kêu gọi đẩy nhanh tiến trình sản xuất tên lửa sẵn sàng chiến đấu và vũ khí nguyên tử. Điều này dấy lên suy đoán ông có thể sử dụng cuộc duyệt binh vào cuối tuần này để phô diễn số lượng lớn tên lửa.
Một màn trình diễn như vậy không chỉ thể hiện thành tựu của Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, mà còn cho thấy Triều Tiên có khả năng chế tạo hoặc mua thêm phương tiện "vận tải - lắp dựng - phóng" (TEL) cỡ lớn để chở ICBM.
Bà Hanham cho biết số lượng giới hạn của các phương tiện này là rào cản khiến Triều Tiên khó tăng số lượng tên lửa.
Chuyên gia của tổ chức Mạng lưới Hạt nhân Mở cũng lưu ý khả năng Triều Tiên trưng bày nhiều tên lửa tầm ngắn hơn, chẳng hạn như loại KN-23. Đây là tên lửa đã được phóng thử nhiều lần kể từ khi ra mắt vào đầu năm 2019.
"Tôi nghĩ những loại tên lửa này gây mất ổn định nhất vì những lợi thế như kích thước của chúng nhỏ mà tốc độ phóng nhanh. Đây là loại tên lửa tiềm năng cho cuộc đụng độ có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân", bà Hanham nhận định.
Thông điệp cho người dân trong nước
Triều Tiên đang gấp rút hoàn thiện một bệnh viện quy mô lớn ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng. Công trình dự kiến hoàn thành đúng dịp lễ 10/10.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy phần bên ngoài của tòa nhà bệnh viện đã hoàn thành, theo 38 North - tổ chức tư vấn giám sát Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái). Ảnh: Reuters. |
Dù nội thất trong bệnh viện chưa hoàn thiện, công trình này có khả năng "trở thành một trong những trụ cột tuyên truyền chính tại các sự kiện cuối tuần này", báo cáo viết.
Quảng trường Kim Nhật Thành, nơi dự kiến diễn ra lễ duyệt binh và các sự kiện khác, cũng đã được cải tạo.
Rachel Minyoung Lee, cựu chuyên gia tình báo về Triều Tiên trong chính phủ Mỹ, cho biết: "Các sự kiện chính trị lớn là cơ hội tuyệt vời để lãnh đạo Triều Tiên thúc đẩy đoàn kết trong nước và khơi dậy niềm tự hào của người dân về sức mạnh đất nước".
"Vì Triều Tiên đang gánh chịu hậu quả từ lũ lụt và các biện pháp phong tỏa ngăn chặn Covid-19, nên ban lãnh đạo sẽ thực sự muốn tận dụng tốt nhất các lễ kỷ niệm sắp tới để làm được điều này", bà Lee nhấn mạnh.