Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 đã được triển khai đến khu vực cao nguyên ở tây bắc Trung Quốc, Global Times trích dẫn tuyên bố của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV). Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Hải quân Mỹ điều động các tàu chiến thực hiện tự do hàng hải trên Biển Đông.
Global Times trích dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc giấu tên ám chỉ việc triển khai là “lời nhắc nhở”, rằng Trung Quốc có đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình. Ngay cả khi được phóng từ khu vực sâu trong nội địa Trung Quốc, DF-26 có tầm bắn đủ xa để bao quát toàn bộ Biển Đông, vị chuyên gia nói.
Dù ngày triển khai thực tế không được đề cập, nhưng thời điểm công bố trùng với hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Ngày 7/1, Hải quân Mỹ đã điều động tàu khu trục USS McCampbell, lớp Arleigh Burke đi qua gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 trong một cuộc diễu binh tại Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông của Mỹ nhằm thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Hoạt động mà Trung Quốc luôn cho rằng đó là một sự khiêu khích.
Tên lửa đạn đạo DF-26 có tầm bắn từ 3.000-4.000 km. Global Times mô tả nó là tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới có khả năng nhắm mục tiêu các tàu di chuyển trên biển. DF-26 được quảng bá là có thể thực hiện cuộc tấn công chính xác cao với đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, chống lại các mục tiêu hải quân ở Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tên lửa DF-26 đã được triển khai vào tháng 4/2018. Trong khi đó, CCTV hôm 8/1 cho biết vũ khí này hiện có khả năng hoạt động trên toàn quốc. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng vụ phóng từ sâu trong lục địa nước này sẽ khó bị đánh chặn hơn.
DF-26 được cho là có khả năng nhắm theo tàu sân bay Mỹ di chuyển trên biển, song khả năng này vẫn chưa được chứng minh. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Điều này là do trong giai đoạn tên lửa mới rời bệ phóng, nó có tốc độ khá chậm và dễ trở thành mồi ngon cho các hệ thống phòng thủ tên lửa. Nhưng nếu tên lửa đã ở giai đoạn cuối của chuyến bay, nó đạt tốc độ rất nhanh khiến cơ hội đánh chặn thành công giảm đi rất nhiều.
Việc triển khai tên lửa DF-26 gây lo ngại ở Nhật Bản, nơi có nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, Japan Times cho biết. Trong một báo cáo công bố vào tháng 6/2017, Trung tâm an ninh mới của Mỹ cho biết mục tiêu chính của tên lửa DF-26 là các tàu sân bay Mỹ, tên lửa này cũng tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc uy hiếp căn cứ của Mỹ trong khu vực.
Tuy vậy, mối đe dọa từ DF-26 vẫn chưa được đánh giá cao. Báo cáo nói rằng mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích quân sự của Mỹ ở châu Á là một vấn đề có thể ít được chú ý. Trung Quốc đang phát triển mạnh lực lượng tên lửa nhằm đe dọa các căn cứ Mỹ trong khu vực.
Hai tác giả Thomas Shugart và Javier Gonzalez đã mô phỏng cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc vào căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản. Họ nhận thấy kết quả rất tàn khốc. Phần lớn căn cứ, sân bay, hải cảng quan trọng ở Nhật Bản đều thiệt hại nặng tới mức khó triển khai lực lượng đáp trả.