Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu sân bay Mỹ đứng trước nguy cơ bị đánh chìm

Không thể cạnh tranh trước đội ngũ tàu sân bay hùng hậu của Washington, Trung Quốc, Iran và Nga được cho là phát triển các vũ khí có thể đánh chìm niềm kiêu hãnh của Lầu Năm Góc.

Máy bay không người lái Iran chụp hình tàu sân bay Mỹ. Ảnh: PressTV

Trong suốt nhiều thập niên qua, tàu sân bay của Mỹ luôn là mục tiêu bất khả xâm phạm đối với kẻ thù. Khối thép khổng lồ nổi trên biển, có khả năng triển khai những loại chiến đấu cơ uy lực nhất của quân đội Mỹ, mang lại cho Lầu Năm Góc khả năng can thiệp linh hoạt vào mọi khu vực trên khắp thế giới. Do không thể cạnh tranh trước đội tàu sân bay hiện đại và đông đảo của Mỹ, các cường quốc quân sự chọn cách phát triển loại vũ khí để đánh chìm niềm kiêu hãnh này, Washington Post đưa tin.

Bản báo cáo do Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNA), một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Washington D.C., công bố hôm 22/2, cho thấy các tàu sân bay Mỹ đang bị đe dọa.

“Trước những thách thức ngày càng lớn trên quy mô toàn cầu, Mỹ buộc phải để các tàu sân bay hoạt động với mức độ lớn, kèm theo đó là nguy cơ uy hiếp sự an toàn của chúng”, báo cáo nêu rõ.

Bản báo cáo có tên “Báo động đỏ: Gia tăng những mối đe dọa nhằm vào hàng không mẫu hạm Mỹ”,  tập trung vào vị thế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc trên biển Thái Bình Dương. Kèm theo đó là học thuyết chống tiếp cận mà Bắc Kinh đang từng bước hiện thực hóa ở các vùng biển lân cận như Hoa Đông và Biển Đông.

Đang hoạt động trong biên chế quân đội Mỹ là các tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz. Chúng cũng là mẫu tàu sân bay lớn nhất thế giới đang hoạt động. Ảnh: US Navy

Đối thủ ở Thái Bình Dương

Chống tiếp cận là thuật ngữ được sử dụng từ lâu trong chiến tranh. Theo đó, nó làm giảm khả năng di chuyển tự do của quân đội địch trên chiến trường. Trong quá khứ, đó thường là hệ thống hào nước và các loại vũ khí bao quanh một cơ sở kiên cố, chẳng hạn như pháo đài. Hiện nay, vũ khí chống tiếp cận là tên lửa phòng không, tên lửa hành trình chống hạm, tàu ngầm, tàu mặt nước và các loại máy bay được thiết kế để đẩy lui đối phương khỏi các khu vực chiến lược.

Theo báo cáo, Trung Quốc đang ngày càng chú trọng tới các loại tên lửa chống hạm tầm xa. Với những thành tựu công nghệ vốn có, Trung Quốc có thể tạo ra mối đe dọa với quân đội Mỹ. Bắc Kinh cũng công bố mẫu tên lửa được coi là sát thủ với tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, chưa thể kiểm chứng hiệu quả của chúng trong tác chiến.

Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc đã đưa tên lửa phòng không HQ-9 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. CNA cho rằng HQ-9 có phạm vi phòng không tầm ngắn nhưng việc đưa nó ra Biển Đông là bước tiến dài của Trung Quốc. Nó có thể mở màn cho việc quân sự hóa Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Các mối đe dọa xa hơn có thể tới từ các máy bay ném bom tầm xa và tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26, với tầm bắn từ 1.500 km tới 3.000 km. Nếu DF-26 hoạt động chính xác như lời quảng cáo của Trung Quốc, căn cứ của Mỹ trên đảo Guam sẽ nằm dưới tầm tấn công.

Với tải trọng choán nước khoảng 100.000 tấn, các tàu lớp Nimitz có thể mang theo nhiều loại máy bay cánh gập, trong đó uy lực nhất là chiến đấu cơ F/A-18C/D/E/F Hornet/Super Hornet. Ảnh: US Navy

Trên Địa Trung Hải

Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất áp dụng chiến lược chống tiếp cận nhằm vào Hải quân Mỹ. Trong vùng biển Baltic, căn cứ hải quân Kaliningrad của Nga được bố trí hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm tinh vi.

Hiện tại, các hệ thống chống tiếp cận của Nga cũng được bố trí tại Syria. Moscow đã đưa nhiều bệ phóng tên lửa phòng không tới căn cứ tại Syria đồng thời điều các tàu chiến có khả năng phòng không ưu việt tới vùng biển xung quanh quốc gia này nhằm tăng khả năng bảo vệ cho quân đội Nga.

Bên cạnh tên lửa, một số quốc gia sử dụng vũ khí không người lái để đe dọa các tàu sân bay Mỹ. Máy bay tự hành hay tên lửa có điều khiển trang bị vật liệu nổ uy lực mạnh đặt hàng không mẫu hạm luôn bận rộn của Mỹ trước hàng loạt nguy cơ. Việc hoạt động liên tục cũng làm giảm khả năng tấn công xa của các phi đội tiêm kích trên hàng không mẫu hạm để đổi lại số lượng các đợt xuất kích.

“Việc triển khai các tàu sân bay trong bối cảnh chúng dễ bị đánh đắm đặt Mỹ trước canh bạc lớn. Mỹ buộc phải cân nhắc khi mỗi tàu sân bay cùng lượng vũ khí và trang thiết bị nó mang theo thường có giá trị nhiều tỷ USD trong bối cảnh Mỹ chưa thể tìm ra cách ngăn chặn hiệu quả chiến lược chống tiếp cận mà nhiều quốc gia đang áp dụng”, báo cáo cho biết.

Để duy trì khả năng thống lĩnh các đại dương, Mỹ cần phát triển các loại vũ khí mới, chẳng hạn như súng điện từ. Lầu Năm Góc cũng cần phát triển các hệ thống phòng thủ và chiến lược, bao gồm cả tin tặc, nhằm đẩy lùi các mối đe dọa từ kẻ thù. Mỹ cũng cần nâng cấp tầm xa của tàu ngầm và máy bay không người lái tích hợp trên các tàu sân bay.

“Mỹ cần đánh giá lại độ phù hợp của các tàu sân bay và các phi đội không kích cũng như sáng tạo thêm cho các hạm đội. Nếu Mỹ muốn duy trì ưu thế quân sự trong tương lai, họ phải làm khác đi”, báo cáo kết luận.

‘Nói triệu lần không làm TQ có chủ quyền với Hoàng Sa’

Đây là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công An trong cuộc trao đổi với Zing.vn về tên lửa Trung Quốc ở đảo Phú Lâm.

Hồng Duy (theo Washington Post)

Bạn có thể quan tâm