Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Ảnh: BBC |
Ashley Townshend, giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương và Đại học Quản trị Phục Đán Thượng Hải, khẳng định, việc Trung Quốc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm, thực thể mà quốc gia này chiếm đóng phi pháp từ những năm 1950, là hành khộng khiêu khích rõ ràng.
“Việc triển khai tên lửa cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện diện quân sự trong khu vực. Nó nằm trong chiến lược bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông bất chấp việc cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ yêu sách đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang theo đuổi trên tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới”, CNN dẫn lời Townshend nói.
Phát biểu trong cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nhấn mạnh động thái của Trung Quốc khiến ông vô cùng quan ngại. “Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết sẽ không xảy ra”, Harris nói với AP.
Theo ông Harris, việc Trung Quốc đưa tên lửa tới các thực thể chiếm đóng bất hợp pháp trên quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) không phải điều bất ngờ nhưng đáng quan ngại và trái với những gì Bắc Kinh cam kết. Để đối phó với động thái của Trung Quốc, Mỹ sẽ “đẩy mạnh cường độ và mức độ phức tạp của các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông trong thời gian tới” và khẳng định “Chúng tôi không có ý định dừng lại”.
Ông Gregory Poling, Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cũng đặc biệt quan tâm tới thông tin vừa được công bố.
“Giả sử báo cáo Trung Quốc đưa tên lửa tới Phú Lâm là chính xác, nó tiếp tục nâng cao khả năng của Trung Quốc trong việc kiểm soát bầu trời xung quanh quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam)”, ông Poling nói với Washington Post.
Tuy nhiên, ông Poling cho rằng việc Trung Quốc đưa tên lửa tới Phú Lâm nằm trong toan tính từ lâu của Bắc Kinh.
Lý giải về việc Trung Quốc triển khai tên lửa tới Phú Lâm, Giáo sư Zhu Feng của Đại học Nam Kinh, Trung Quốc cho rằng đây là bước đi nhằm bảo vệ các căn cứ hải quân mới của Trung Quốc thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Đây là nơi neo đậu của các tàu ngầm và có thể là tàu sân bay của Trung Quốc.
“Việc tăng cường hiện diện quân sự trên đảo Phú Lâm là cách tăng cường khả năng phòng thủ cho Tam Á, khu vực đang dần trở thành căn cứ chủ lực của Hải quân Trung Quốc”, ông Feng khẳng định với New York Times trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Đồng quan điểm với giáo sư Feng, ông Euan Graham, giám đốc chương trình An ninh Quốc tế tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, Australia cũng cho rằng Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không để bảo vệ căn cứ ở Tam Á và tiêm kích hoạt động từ đảo Phú Lâm. Tuy nhiên, nó cũng khiến Mỹ phải cân nhắc khi điều chiến đấu cơ thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Graham khẳng định: “Người Trung Quốc sẽ không bắn rơi một máy bay Mỹ trong thời bình nhưng cố tạo ra bầu không khí đe dọa, khiến giới chức Mỹ cân nhắc khi lên kế hoạch cho các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng không trong khu vực”.
Ông Graham cũng tin rằng các bệ phóng tên lửa của Trung Quốc không thể hoạt động vì thiếu cơ sở hạ tầng. Nó cho thấy động thái này của Bắc Kinh chỉ mang tính chất đe dọa, cải thiện vị thế đàm phán về vấn đề Biển Đông hoặc thử đánh giá phản ứng của các nước lớn như Mỹ, Australia hay Nhật Bản....
“Có thể việc triển khai tên lửa mang tính quân sự hoặc chỉ đơn thuần là cảnh báo. Trung Quốc thường tiến hành các bước đi tương tự trước một sự kiện ngoại giao quan trọng”, Graham nói.