Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'TQ đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm là việc làm nguy hiểm'

Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm là động thái nguy hiểm và là cách để phản ứng với Mỹ, ASEAN.

- Ông đánh giá ra sao trước việc Trung Quốc triển khai trái phép hệ thống tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, với bằng chứng từ các ảnh vệ tinh mới nhất chụp ngày 14/2?

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm – nguyên Giám đốc Học viện Hải quân. 

Ảnh: 

Tuổi trẻ

-  Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Năm 1974, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và từ đó xem quần đảo là tiền đồn của nước này ở Biển Đông. Nó cách xa đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150 hải lý.

Việc đưa hệ thống tên lửa ra Phú Lâm thể hiện hai điều: Trước tiên, động thái này nằm trong kế hoạch tăng cường phòng thủ cho Hải Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc lại thực hiện điều này trên quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do vậy, động thái của Trung Quốc rõ ràng vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982.

Thứ hai, việc Trung Quốc điều hệ thống tên lửa ra Phú Lâm còn là bước quân sự hóa đảo nhân tạo ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đang phát tín hiệu báo trước các việc làm phi pháp của nước này trên Biển Đông trong tương lai.

Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ảnh: 

QĐND

-  Chuyên gia luật Hoàng Việt: Động thái mới nhất của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chứng tỏ một điều, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng của họ đối với Biển Đông, dù từng tuyên bố muốn hòa bình, hợp tác với các nước trong vùng biển này.

Việc Trung Quốc xây dựng các cấu trúc và đưa phương tiện quân sự trái phép tới Biển Đông, mới đây là tới Hoàng Sa, cho thấy mức độ đe dọa rất lớn từ hành động của Trung Quốc đối với hòa bình và ổn định của khu vực.

-  Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước hết tôi phải khẳng định, Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý đối với đảo Phú Lâm nói riêng và quần đảo Hoàng Sa nói chung. Việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự và trang bị hệ thống tên lửa ở Phú Lâm tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế. Đây được coi là hành động “vi phạm chồng vi phạm”.

Trung Quốc đáp trả Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN

- Các ông đánh giá thế nào về yếu tố thời điểm của các leo thang này, khi Trung Quốc triển khai các hoạt động trong bối cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN đang diễn ra ở Sunnylands, California?

- Thiếu tướng Lê Văn Cương: ASEAN có vị trí chiến lược và địa chính trị hết sức quan trọng. Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN nằm trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Dưới con mắt của người Trung Quốc, sự kiện được cho là cách Mỹ giành giật khu vực Đông Nam Á. Do đó, Trung Quốc “đứng ngồi không yên” và phản ứng lại.

Trung Quốc bao giờ cũng chọn thời điểm thích hợp để hành động. Sự kiện gây hấn mới nhất của Trung Quốc thể hiện rõ điều này. Đây là cách đáp trả của Trung Quốc trước cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước ASEAN. Trung Quốc hoàn toàn không muốn chứng kiến việc ông Obama ngồi bàn thảo chung với lãnh đạo tổ chức này.

Hơn nữa, chúng ta có thể thấy, Bắc Kinh đang muốn phát thông điệp gián tiếp rằng, nếu các nước ASEAN có bắt tay với Mỹ thì cũng không thể thay đổi hành động mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông.

Tuy nhiên, việc Mỹ và ASEAN nhất trí về Biển Đông khiến Trung Quốc sẽ phải tính toán lại chiến lược hiện nay của họ.

-  Chuyên gia luật Hoàng Việt: Mỹ đang thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á để đối chọi với các tham vọng của Trung Quốc. Rõ ràng, ASEAN đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong vấn đề này. 4 quốc gia ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông. Những quốc gia khác như Singapore, Indonesia chịu ảnh hưởng lớn từ sự bất ổn trên Biển Đông.

Hội nghị ở Sunnylands ngày 16/2 đưa ra tuyên bố chung về các biện pháp hòa bình như thông qua Tòa trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp. Trong khi đó, việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa tới Phú Lâm đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Uy hiếp an toàn bay

- Mức độ nguy hiểm của việc Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa đất đối không tới Hoàng Sa của Việt Nam?

- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Hệ thống tên lửa mà Trung Quốc triển khai ở đảo Phú Lâm có phạm vi hoạt động khoảng 200 km. Như vậy, nó không chỉ uy hiếp các loại máy bay quân sự mà còn đe dọa an toàn của phi cơ dân sự di chuyển qua tuyến hành lang hàng không quốc tế rất bận rộn qua vùng Biển Đông. Đây thực sự là việc làm nguy hiểm.

-  Chuyên gia luật Hoàng Việt: Trước đây, tên lửa thường được triển khai ở đất liền, có thể hướng ra biển. Nhưng tới nay, Trung Quốc đặt nó ngoài biển. Đây là một động thái cực kỳ nguy hiểm. Hơn thế, hệ thống tên lửa của Trung Quốc ở Phú Lâm có khả năng uy hiếp quân sự rất lớn. 

Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an. Ảnh: Công Khanh

 

- Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam gắn với quá trình cải tạo các đá chìm ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành các căn cứ quân sự. Hai năm qua, Trung Quốc cải tạo 7 đá chìm ở Trường Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm đóng trái phép.

Hai điều này tạo thành thể liên hoàn hỗ trợ nhau. Trung Quốc đang từng bước thực hiện chiến lược khống chế và chiếm đoạt toàn Biển Đông. Cá nhân tôi cho rằng, đây là ý đồ hết sức nguy hiểm.

- Động thái mới nhất của Trung Quốc củng cố vững chắc nhận định của giới chuyên gia rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông. Đánh giá của các ông về ý kiến này?

-  Chuyên gia luật Hoàng Việt: Trung Quốc đang tạo dựng cái được giới chuyên gia gọi là “tàu sân bay không thể đánh chìm” của Trung Quốc trên Biển Đông bởi trên các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng, họ này đặt nhiều căn cứ quân sự phi pháp. Nếu đụng độ trên biển xảy ra, chúng sẽ có lợi rất lớn cho phía Trung Quốc. Đây là lý do khiến Trung Quốc đang đẩy mạnh hệ thống quân sự ở Biển Đông.

Dù không tuyên bố nhưng nước này đang hiện thực hóa âm mưu lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Đưa hệ thống tên lửa tới Phú Lâm nằm trong kế hoạch này. Trung Quốc muốn dùng sức mạnh để áp đặt luật chơi và tham vọng của họ trên Biển Đông. 

- Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trung Quốc sẽ không phát động chiến tranh mà thực hiện kế “không đánh mà thắng” tại Biển Đông. Họ làm từng bước theo kiểu "lát cắt Salami". Buộc cộng đồng quốc tế nói chung chấp nhận hiện trạng mà Trung Quốc đang làm ở Biển Đông là một chiến lược cực kỳ nguy hiểm.

- Việt Nam cần phản ứng như thế nào trước động thái mới nhất của Trung Quốc?

- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Việt Nam cần tiếp tục phản đối và đấu tranh để nói lên chính kiến. Chúng ta cũng cần cùng đoàn kết chặt chẽ với ASEAN để phản ứng hành động sai trái của bất kỳ nước nào đối với từng thành viên của khối và Biển Đông.

- Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta cần tiếp tục kiên quyết phản đối trực tiếp đối với phía Trung Quốc, từ việc gửi công hàm theo từng cấp tới huy động lực lượng quốc tế đồng lòng. Việt Nam không đơn độc trong tranh chấp Biển Đông vì chúng ta có sơ sở pháp lý rõ ràng.

Trung Quốc có thể đưa thêm các hệ thống tên lửa tương tự tới Trường Sa

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định, việc Trung Quốc triển khai hệ thống phòng không HQ-9, được đánh giá rất tinh vi và nguy hiểm, rõ ràng là cách nước này phản ứng trước các hoạt động trên không của Mỹ và chiến dịch tuần tra tự do hàng hải quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.

"Từ việc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tới Phú Lâm, Trung Quốc có thể đưa thêm các hệ thống tương tự tới quần đảo Trường Sa, tùy theo mức độ phản ứng từ phía Mỹ", giáo sư Thayer nhấn mạnh.

Theo đánh giá của ông Thayer, các động thái của Trung Quốc tạo ra mối nguy và rủi ro đối với các chuyến tuần tra trinh sát hàng hải của Mỹ tại các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa trong tương lai. Hệ thống HQ-9 cũng có thể đe dọa các máy bay hỗ trợ các tàu chiến Mỹ trong khi làm nhiệm vụ tuần tra ở Hoàng Sa.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho rằng việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Theo AP, giới chuyên gia nhận định động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông chủ yếu nhằm vào Philippines và Việt Nam, trong khi tiếp tục chiếm giữ trái phép các hòn đảo và đẩy mạnh khả năng triển khai lực lượng.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, nhận định động thái này đi ngược lại cam kết không quân sự hóa khu vực của Bắc Kinh. "Nó là dấu hiệu rõ ràng về hành động quân sự hoá", ông Harry phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Báo Mỹ: Trung Quốc đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm

Fox News dẫn những ảnh vệ tinh mới nhất cho biết Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hải Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm