Các ảnh vệ tinh trên do hãng ImageSat International (ISI) chụp, cho thấy 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng với một hệ thống radar đã được Trung Quốc triển khai trái phép đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo thời gian của ảnh, bờ biển quanh đảo còn trống vắng vào ngày 3/2, rồi các tên lửa xuất hiện vào ngày 14/2. Theo Fox, một quan chức Mỹ đã xác nhận với đài này rằng ảnh vệ tinh phản ánh đúng thực tế đang diễn ra.
Vị này cho biết thêm, tên lửa của Trung Quốc điều ra là hệ thống phòng không HQ-9, gần giống với hệ thống tên lửa S-300 của Nga. HQ-9 có phạm vi hoạt động khoảng 200 km, tạo ra mối đe doạ với mọi loại máy bay, dù là dân sự hay quân sự, hoạt động gần đó.
Thiếu tướng David Lo, phát ngôn viên Cơ quan Quốc phòng của vùng lãnh thổ Đài Loan, khẳng định Trung Quốc đại lục đã triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm. Tuy nhiên, ông này không nêu rõ chi tiết. “Cơ quan Quốc phòng Đài Loan sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo”, ông Lo nói.
Ảnh vệ tinh mới (trái) cho thấy một số bệ phóng tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International |
"Các bên liên quan nên phối hợp để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông, đồng thời không dùng bất cứ biện pháp đơn phương làm gia tăng căng thẳng”, người phát ngôn Cơ quan Quốc phòng đảo Đài Loan cho hay.
Phản ứng trước thông tin Fox News đưa ra, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban không khẳng định, cũng không phủ nhận về nội dung này. “Tuy tôi không thể bình luận về những vấn đề liên quan đến tình báo, tôi khẳng định chúng tôi đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ”, Reuters dẫn lời ông Urban nói.
Triển khai tên lửa tiếp tục là một trong những hành động phi pháp của Trung Quốc ở những đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Trước đó, vào ngày 7/2, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin phi cơ cất cánh từ Phi trường Quốc tế Mỹ Lan trên đảo Hải Nam rồi đáp trái phép xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đây là chuyến bay dân dụng đầu tiên tới đảo Phú Lâm, sau khi Bắc Kinh nâng cấp sân bay trên đảo. Phú Lâm là trung tâm hành chính của cái gọi là "thành phố Tam Sa" do Trung Quốc thành lập trái phép, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế.
Trước đây Bắc Kinh chỉ dùng tàu để vận chuyển hàng hóa, người tới đảo. Sau khi Bắc Kinh nâng cấp sân bay trên đảo Phú Lâm, những phi cơ cỡ lớn như Boeing 737 (chở được tới 200 người) có thể cất cánh và đáp xuống đây.
Hãng tin Mỹ công bố ảnh vệ tinh diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo Mỹ và ASEAN tổ chức cuộc họp cấp cao dấu ấn tại Sunnylands, bang California từ ngày 15 đến 16/2. Tại cuộc họp, Tổng thống Obama đã lặp lại kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Ông yêu cầu không quân sự hoá trên Biển Đông, và khẳng định “Mỹ sẽ tiếp tục đi thuyền và bay ở những vùng mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Trong những tuyên bố phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC và chấm dứt ngay các hoạt động sai trái. Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay mục đích gì, những hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đều không có giá trị.