Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc gần hoàn tất hai đường băng phi pháp ở Trường Sa

Bắc Kinh đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng hai đường băng phi pháp trên đá Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau các chuyến bay thử ở đá Chữ Thập.

Ảnh vệ tinh do CSIS chụp ngày 8/1 cho thấy đường băng Trung Quốc xây phi pháp trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

Tờ Nikkei Asian Review đưa tin, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington ngày 16/1 cung cấp hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc sắp hoàn tất hai đường băng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chúng gồm một đường băng dài 2.644 m trên đá Vành Khăn và đường băng dài 3.250 m trên đá Xu Bi.

“Đường băng trên đá Chữ Thập được xây trong ít nhất 7 tháng, nhưng tại đá Vành Khăn, hoạt động xây dựng, vốn bắt đầu vào tháng 9 hoặc tháng 10, đã gần hoàn thành chỉ trong 3 tới 4 tháng sau đó”, CSIS cho hay.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng xây dựng các cơ sở khác nhau trên đá Xu Bi, gồm một tường chắn sóng, bến cảng và một tòa tháp cao 30 m, theo CSIS.

Đường băng dài 3.250 m và rộng 55 m mà Trung Quốc xây trái phép trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

Ngày 6/1, Trung Quốc điều hai máy bay đáp xuống đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là khu vực đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Vụ việc xảy ra chỉ 4 ngày sau khi Bắc Kinh thực hiện hành động tương tự.

Ngày 15/1, phi cơ dân dụng của một hãng hàng không Trung Quốc ngang nhiên đưa một nhóm người dân tiếp cận trái phép đá Chữ Thập. Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3.000 m và là đường băng đầu tiên được sử dụng trong số các đảo đá mà Trung Quốc bồi lấp trái phép.

Cũng trong ngày 15/1, Feng Wenhai, người giữ chức "Phó thị trưởng Tam Sa", thông báo Bắc Kinh chào đón tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên đảo và chính quyền sẽ khởi động chương trình hợp tác giữa nhà nước với tư nhân. Trung Quốc lập ra cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Phản ứng trước việc Trung Quốc đáp máy bay xuống đá Chữ Thập, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình lên tiếng phản đối hành động của Bắc Kinh xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Ông Bình nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp.

Biển Đông biến dạng sau các hoạt động bồi lấp của Trung Quốc

Trung Quốc bồi lấp và xây dựng các cơ sở phi pháp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, làm biến dạng nghiêm trọng toàn bộ khu vực.

Trung Quốc bất chấp dư luận đưa dân thường ra đá Chữ Thập

Máy bay dân dụng của hãng hàng không Hải Nam, Trung Quốc, ngày 15/1 ngang nhiên đưa một nhóm người dân, tiếp cận trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm