Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc bất chấp dư luận đưa dân thường ra đá Chữ Thập

Máy bay dân dụng của hãng hàng không Hải Nam, Trung Quốc, ngày 15/1 ngang nhiên đưa một nhóm người dân, tiếp cận trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc hôm nay ngang nhiên công bố nước này đã cho phép nhóm người dân đầu tiên đến đá Chữ Thập mà nước này xây dựng phi pháp trên Biển Đông.

Nhóm khách được đưa tới đá Chữ Thập là người nhà của các binh sĩ đồn trú trái phép tại đây.

Trước đó, ngày 6/1, Trung Quốc điều hai máy bay đáp xuống đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là khu vực đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Vụ việc xảy ra chỉ 4 ngày sau khi Bắc Kinh thực hiện hành động tương tự.

Các máy bay cất cánh từ sân bay ở Hải Khẩu, đảo Hải Nam, cách đá Chữ Thập khoảng 1.000 km, rồi quay trở về. Thời gian mỗi lượt bay là 2 giờ.  

Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3.000 m. Đây là một trong 3 đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các đá và rạn san hô chiếm đóng của Việt Nam. Đây cũng là đường băng đầu tiên được sử dụng trong khu vực.

Trung Quốc ngang ngược kêu gọi đầu tư tại Hoàng Sa, Trường Sa

Cũng trong ngày 15/1, Feng Wenhai, người giữ chức "Phó thị trưởng Tam Sa", thông báo Bắc Kinh chào đón tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên đảo và chính quyền sẽ khởi động chương trình hợp tác giữa nhà nước với tư nhân. Trung Quốc lập ra cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

"'Thành phố' cũng sẽ quy hoạch và xây một trung tâm cứu hộ y tế trên đảo, lắp cáp quang ngầm vào năm nay. Sóng Wi-fi sẽ phủ kín mọi đảo không người ở và bãi đá", Tân Hoa xã dẫn lời Feng nói.

Sân bay trên đảo Phú Lâm cũng sẽ tiếp nhận những chuyến bay thường xuyên trong năm 2016, Feng nói thêm.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi lý đối với phần lớn Biển Đông. Vào năm 2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung Quốc đồng thời khẳng định mọi hành động của cái gọi là thành phố Tam Sa đều không có giá trị pháp lý cũng như không thể thay đổi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam phản đối Trung Quốc điều máy bay ra đá Chữ Thập

Phản ứng trước việc Trung Quốc đáp máy bay xuống đá Chữ Thập, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình lên tiếng phản đối hành động của Bắc Kinh xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

"Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố ngày 7/1.

Ông Bình nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp.

Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế. Cũng trong ngày 7/1, đại diện Bộ Ngoại giao đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.

Phương Hà - Linh Phong

Bạn có thể quan tâm