Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do TQ tăng hoạt động ở Biển Đông từ đầu năm

Trao đổi với Zing.vn, ông Murray Hiebert, chuyên gia CSIS (Mỹ), lý giải việc Trung Quốc quyết định bay thử nghiệm ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đường băng do Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

- Trong Thông điệp Liên bang vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh cam kết của nước Mỹ đối với cuộc chiến chống IS. Vậy ông có cho rằng Biển Đông sẽ tiếp tục là một ưu tiên đối với Washington?

- Biển Đông sẽ vẫn là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây là một vấn đề an ninh then chốt, về tự do hàng hải ở tuyến đường thương mại trên biển quan trọng này, về việc làm giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và các bên liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông. 

Tổng thống Obama không thể trình bày tất cả chỉ trong khuôn khổ một bài phát biểu, khi mà ông phải đề cập đến hàng loạt các vấn đề khác nhau của nước Mỹ. Tôi nghĩ chúng ta có thể tin rằng Biển Đông vẫn là một trong những ưu tiên cao của Washington. Ông Obama cũng đã đề cập đến tình hình Biển Đông với phía Trung Quốc, trao đổi trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9/2015 khi ông ấy có chuyến thăm chính thức đến Mỹ. Khi đó, tổng thống đã yêu cầu Trung Quốc không quân sự hóa tình hình Biển Đông.

Ông Murray Hiebert là phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ

. Ảnh: Le Media

- Theo ông, vì sao Trung Quốc lại muốn đẩy nhanh thời điểm thử nghiệm các chuyến bay đến đảo đá Chữ Thập trong giai đoạn này?

- Bắc Kinh đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi hành động như vậy. Trung Quốc đã vạch ra lịch trình cho các hoạt động thử nghiệm, và họ sẽ xúc tiến theo kế hoạch ấy. 

Theo tôi, phía Trung Quốc muốn việc thử nghiệm diễn ra càng sớm càng tốt, và họ đã làm như vậy ngay từ những ngày đầu của năm 2016. Họ không muốn để sự việc diễn ra trễ hơn, vào những tháng cuối năm 2016, vì Trung Quốc không muốn trở thành vấn đề và tâm điểm chỉ trích của các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ.

Cũng cần lưu ý rằng, Trung Quốc luôn tiến hành những hành động tham vọng của họ vào các tháng đầu năm. Nguyên nhân do càng về cuối năm thì điều kiện thời tiết sẽ không thuận lợi, trời thường hay có bão tố, mưa giông.

Khoảng thời gian giữa năm cũng không phải thời điểm thích hợp, do rất nhiều hội nghị quốc tế quan trọng diễn ra vào thời gian này. Diễn đàn Khu vực (ARF) sẽ diễn ra vào tháng 7 năm nay tại Lào. Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sẽ được tổ chức vào tháng 9, rồi lại đến hội nghị APEC. Trung Quốc hiển nhiên không muốn các hành động của họ bị đưa ra làm trọng tâm bàn bạc của các nước.

Vì những lý do trên, Trung Quốc phải hành động thật sớm. Bắc Kinh cũng hy vọng rằng, sau khi nhiều tháng trôi qua, mọi người sẽ bớt sự quan tâm hơn so với nếu tiến hành thử nghiệm các chuyến bay ở những khoảng thời gian còn lại trong năm.

- Ông nhận định thế nào về khả năng Trung Quốc sẽ triển khai máy bay quân sự ra đảo nhân tạo? Liệu họ có hành động trước khi tòa án quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines?

- Tôi chưa thể đưa ra nhận định về vấn đề này. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Obama hồi năm ngoái rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hoá các đảo nhân tạo. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, chưa quan chức nào, bao gồm ông Tập, đã lặp lại tuyên bố này trong những tháng sau đó. 

Tôi không biết chắc Bắc Kinh đang toan tính điều gì, nhưng tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu họ triển khai máy bay quân sự ra đảo nhân tạo trong vài tháng tới. Khi đó, họ sẽ viện cớ rằng hành động này nhằm phục vụ các mục đích nhân đạo, cứu hộ thiên tai… Điều rõ ràng là Trung Quốc đã vạch ra một kế hoạch tham vọng.

- Các cường quốc sẽ phản ứng như thế nào nếu Trung Quốc thực sự triển khai máy bay quân sự ra đảo nhân tạo?

- Việc đưa ra phản ứng phải hết sức thận trọng. Không nước nào muốn chiến tranh hay đụng độ xảy ra. Trước mắt, các cường quốc sẽ tiếp tục chỉ trích, gây áp lực. Hiện tại Mỹ sẽ không phản ứng về mặt quân sự vì không muốn vấp phải rủi ro dẫn đến một xung đột lớn. Thay vào đó, các quốc gia sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc ngưng các hoạt động khiêu khích và tuân thủ vai trò của một nước lớn mà họ thể hiện. Trung Quốc tham gia rất nhiều tổ chức quốc tế như WTO, các sự kiện quan trọng như Hội nghị chống biến đổi khí hậu Paris cuối năm ngoái; sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). 

Nhiều người kỳ vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ các luật lệ trên biển, cũng như tuân thủ luật lệ ở các tổ chức mà Trung Quốc tham gia. Nếu anh không chơi đúng luật, sẽ không nước nào tôn trọng anh. Nếu Trung Quốc muốn các nước thân thiện với họ, Trung Quốc cần chứng tỏ sự thiện chí của mình trước tiên.

Tối 8/1, trao đổi với Zing.vn, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh khẳng định, Trung Quốc đang uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay tại vùng bay Hồ Chí Minh. 

Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thông báo tới Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về việc liên tiếp có máy bay uy hiếp an toàn bay vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.

Cụ thể, ngày 1-8/1 Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) để tới đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Riêng sáng 8/1, có 4 chuyến bay vào và ra FIR Hồ Chí Minh.

Phản ứng trước việc Trung Quốc đáp máy bay xuống đá Chữ Thập vào các ngày 2 và 6/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phản đối hành động của Bắc Kinh xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

"Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố hôm 7/1.

TQ ngụy biện việc không thông báo bay cho FIR Hồ Chí Minh

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh đã thông báo cho FIR Hồ Chí Minh khi điều máy bay đáp xuống đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập.

'ICAO sẽ lên án các chuyến bay của Trung Quốc'

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không (ĐH Bách khoa TP HCM), nói việc phi cơ TQ bay không thông báo khi đi qua FIR Hồ Chí Minh sẽ bị ICAO phản đối.



Minh Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm