Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trong tuyên bố ngày 14/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên nói rằng, Trung Quốc đã thông báo về kế hoạch bay thử và hành trình, cùng các thông tin kỹ thuật trước khi đưa phi cơ đáp xuống đường băng trên đá Chữ Thập.
Theo ông Hồng Lỗi, vào 17h46 ngày 28/12/2015 (16h46 giờ Hà Nội), Trung Quốc đã gửi tín hiệu cho Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng dẫn lời ông Hồng Lỗi ngang nhiên nói rằng Trung Quốc coi đây là hoạt động bay quốc gia và việc Trung Quốc bay thử tới đá Chữ Thập là phù hợp với luật pháp và quy định hàng không quốc tế.
Tuy nhiên, chiều 12/1, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, ngay khi có thông tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam về thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã kiểm tra công văn, fax, email, điện tín, hơn 19.000 điện văn tại tất cả các cơ quan, đơn vị có địa chỉ liên quan, từ 00h ngày 28/12 đến ngày 29/12/2015, hoàn toàn không thấy thông báo nào như phía Trung Quốc tuyên bố.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc thông báo của cơ quan ngoại giao Trung Quốc cho cơ quan ngoại giao Việt Nam không thể thay thế cho việc thông báo bay và thiết lập liên lạc thoại trong vùng trời có kiểm soát với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu theo quy trình hàng không để đảm bảo an toàn và điều hòa cho các hoạt động bay.
Bên cạnh việc ngụy biện về việc thông báo cho vùng FIR Hồ Chí Minh, ông Hồng Lỗi tiếp tục lặp lại luận điệu ngang ngược, cho rằng quần đảo Trường Sa của Việt Nam thuộc chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Máy bay Trung Quốc hạ cánh xuống đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, lần đầu tiên vào ngày 2/1. Bốn ngày sau, hai máy bay dân sự của Trung Quốc tiếp tục đáp xuống đường băng này bất chấp sự phản đối của Việt Nam và nhiều quốc gia.
Trao đổi với Zing.vn, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh khẳng định, Trung Quốc đang uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay tại vùng bay Hồ Chí Minh.
Theo ông Thanh, ngày 1 đến 8/1 Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) để tới đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Riêng sáng 8/1, có 4 chuyến bay vào và ra FIR Hồ Chí Minh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định, Việt Nam kiên quyết bác bỏ các quan điểm sai trái trong phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc phi cơ nước này bay ra sân bay mà Bắc Kinh xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa cũng như đối với quần đảo Hoàng Sa", ông Lê Hải Bình tuyên bố.