Tàu Mỹ và Philippines trong cuộc tập trận CARAT năm 2014. Ảnh: Hải quân Mỹ |
“Chúng tôi đang đề xuất các cuộc tuần tra chung. Sự hợp tác là điều cần thiết tại Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, ông Peter Paul Galvez, nói với các phóng viên ngày 14/1.
Lời đề nghị của Philippines được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đang dâng cao về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Mỹ cùng Philippines hôm 12/1 đã gặp nhau tại Washington ngày nhằm thảo luận về thương mại, an ninh, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.
Cũng trong ngày 12/1, Hải quân Mỹ đã đưa tàu ngầm tấn công nhanh USS Topeka (SSN 754) lớp Los Angeles tới vịnh Subic, phía tây của tỉnh Zambales của Philippines. Hoạt động này nằm trong việc “triển khai thường lệ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Mỹ cũng đưa tàu ngầm tấn công Topeka tới Vịnh Subic trong bối cảnh Tòa án Tối cao Philippines tán đồng tính hợp hiến của Hiệp định Tăng cường quốc phòng Hợp tác (EDCA) mà hai nước đã ký từ tháng 4/2014.
EDCA cho phép quân đội Mỹ có quyền đồn trú luân phiên tại các trung tâm quân sự và triển khai máy bay, tàu chiến từ Philippines. Quân đội Mỹ cũng có thể xây trại bên trong các căn cứ quân sự lớn của lực lượng vũ trang Philippines (AFP), đồng thời lưu trữ hoặc đặt thiết bị quân sự tại quốc gia Đông Nam Á.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải có giá trị thương mại đạt 5.000 tỷ USD mỗi năm. Căng thẳng dâng cao hồi đầu tháng 1 khi Bắc Kinh thực hiện các chuyến bay thử trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa Thường trực tại The Hague, Hà Lan về “đường lưỡi bò” phi lý. Bắc Kinh phủ nhận quyền phán quyết của tòa và tẩy chay vụ kiện.
Ngày 13/1, Philippines chính thức phản đối các chuyến bay thử nghiệm gần đây của Trung Quốc tới đá Chữ Thập và cho rằng đó là “hành động khiêu khích", ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Ngày 8/1, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc để trao công hàm phản đối động thái mới của Bắc Kinh.