Tàu ngầm USS Topeka. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Theo Diplomat, Hải quân Mỹ đã đưa tàu ngầm tấn công nhanh USS Topeka (SSN 754) lớp Los Angeles tới vịnh Subic, phía tây của tỉnh Zambales, hôm qua. Hoạt động này nằm trong việc “triển khai thường lệ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
“Với thủy thủ đoàn gồm 160 thành viên, Topeka sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ và phát huy năng lực mới nhất của hạm đội tàu ngầm”, tuyên bố nêu rõ.
Trung tá David P. Lammers, sĩ quan chỉ huy của Topeka nói: "Thông qua các chuyến thăm cảng như vậy, chúng ta củng cố mối quan hệ và thúc đẩy giao lưu văn hóa. Càng tương tác, chúng ta càng hiểu nhau và liên minh của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của các bạn và cảm thấy được chào đón khi chúng tôi ghé thăm vịnh Subic".
Topeka có chiều dài khoảng 90 m và trọng lượng hơn 6.000 tấn. Nó có thể hoạt động ở độ sâu hơn 240 m với tốc độ lên tới 25 hải lý mỗi giờ. Topeka được coi là một trong những tàu ngầm có khả năng tàng hình tốt nhất với khả năng hỗ trợ nhiều nhiệm vụ khác nhau gồm chống tàu ngầm, chống hạm, tấn công, giám sát và do thám.
Mỹ đưa tàu ngầm tấn công Topeka tới Vịnh Subic trong bối cảnh Tòa án Tối cao Philippines tán đồng tính hợp hiến của Hiệp định Tăng cường quốc phòng Hợp tác (EDCA) mà hai nước đã ký từ tháng 4/2014.
EDCA cho phép quân đội Mỹ có quyền đồn trú luân phiên tại các trung tâm quân sự và triển khai máy bay, tàu chiến từ Philippines. Quân đội Mỹ cũng có thể xây trại bên trong các căn cứ quân sự lớn của lực lượng vũ trang Philippines (AFP), đồng thời lưu trữ hoặc đặt thiết bị quân sự tại quốc gia Đông Nam Á.
Tàu ngầm tấn công của Mỹ tới Philippines trùng thời điểm hai nước tiến hành các cuộc thảo luận song phương tại thủ đô Washington của Mỹ. Ngày 12/1, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin đã gặp những người đồng cấp Mỹ, ông John Kerry và ông Ashton Carter tại Hội nghị Bộ trưởng 2+2. Hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có việc Mỹ hỗ trợ kế hoạch hiện đại hóa của quân đội Philippines.
Reuters ngày 13/1 đưa tin, theo người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Restituto Padilla, nước này đã đề xuất để Mỹ sử dụng 8 căn cứ, gồm 5 sân bay quân sự, hai căn cứ hải quân và một trại huấn luyện trong rừng. Washington có thể sử dụng chúng làm kho trang thiết bị và quân nhu. "Danh sách này đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước”, ông Padilla nói. Ba trong số 8 căn cứ nằm ở đảo Luzon ở miền bắc của Philippines, trong đó có sân bay Clark, căn cứ trước đây của Không quân Mỹ, và 2 căn cứ khác nằm trên đảo Palawan.
Trong khi đó, theo một quan chức quốc phòng cấp cao Philippines, Mỹ cũng đang tìm cách tiếp cận 3 cảng biển và cảng hàng không dân sự trên đảo Luzon, gồm cả vịnh Subic từng là căn cứ của Hải quân Mỹ.
"Subic có vị trí quan trọng đối với người Mỹ bởi nó là một trong số ít khu vực trong nước mà thiết bị của họ có thể cập cảng an toàn”, quan chức giấu tên nói.