Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Philippines muốn Mỹ tăng cường tuần tra Biển Đông

Quan chức Philippines cho biết Manila sẽ yêu cầu Washington tiếp tục tuần tra ở Biển Đông để bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực, trong cuộc đối thoại song phương tại Washington.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ gặp hai người đồng cấp từ Philippines tại Washington ngày 12/1 để thảo luận về các vấn đề an ninh. Một quan chức Philippines tiết lộ rằng Manila sẽ yêu cầu Washington tăng cường tuần tra ở Biển Đông trong các cuộc hội đàm, VOA đưa tin.

"Tôi tin chắc căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông, sẽ là vấn đề các bộ trưởng thảo luận. Đó là mối quan tâm mà cả chúng tôi và những người bạn Philippines quan tâm", ông John Kirby, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.

Dù các bộ trưởng có thể thảo luận về khả năng Mỹ và các đồng minh ở châu Á thực hiện những cuộc tuần tra chung trên Biển Đông, giới phân tích nhận định ý tưởng đó khó trở thành hiện thực.

Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, nhận định rằng có thể hoạt động tuần tra của Mỹ trên Biển Đông sẽ tăng, song sẽ diễn ra thầm lặng.

"Những cuộc tuần tra sẽ diễn ra đều đặn và bình thường. Khiêu khích không phải là mục đích chính của hoạt động tuần tra của Mỹ trên Biển Đông. Nhiệm vụ của chúng là thực hiện quyền tự do hàng hải", bà nhận xét.

Bà nói thêm rằng những hoạt động như thế của Mỹ đã diễn ra trên khắp thế giới từ thập niên 70 của thế kỷ trước.

Dean Cheng, nhà nghiên cứu cao cấp của Quỹ Heritage, cho rằng các cuộc tuần tra không phải là cách để Mỹ ủng hộ hay phản đối tuyên bố chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, bởi Washington không muốn liên quan tới những tranh chấp trong Biển Đông.

"Thông điệp của Mỹ là muốn bảo đảm tự do hàng hải, đảm bảo rằng tàu của mọi quốc gia có quyền di chuyển qua những vùng biển quốc tế một cách tự do, phản đối mọi nỗ lực của các nước trong việc mở rộng tuyên bố chủ quyền sang hải phận quốc tế", Cheng phát biểu.

Trong khi đó, Manila ngày 12/1 ra tuyên bố về một thỏa thuận an ninh Mỹ - Philippines, cho phép Washington tăng hiện diện quân sự ở nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.

Với tỷ lệ 10 phiếu ủng hộ và 4 phiếu phản đối, Tòa án Tối cao Phillippines gồm 15 thành viên phủ nhận kiến nghị của một số nhà hoạt động và nghị sĩ về Hiệp định Hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA). Những người này cho rằng EDCA là trái hiến pháp bởi nó khiến vấn đề chủ quyền của Philippines bị chi phối bởi một cường quốc bên ngoài.

Người phát ngôn Theodore Te của Tòa án Tối cao cho rằng, EDCA là thỏa thuận hợp hiến. “Với vai trò là một thỏa thuận hành chính, nó vẫn phù hợp với luật pháp và quy ước hiện hành”, Te nói.

Chuyên gia an ninh Rommel Banlaoi nhận định, thỏa thuận sẽ mở rộng mối mối quan hệ đồng minh giữa Manila và Washington vượt khỏi chính quyền Tổng thống Philippines Benigno Aquino, người sẽ từ nhiệm vào cuối tháng 6.

“EDCA sẽ là di sản mà ông Aquino để lại cho chính quyền kế tiếp. Nó có thể giúp Mỹ gia tăng sức mạnh khi đối trọng với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa hai cường quốc ngày càng tăng trên Biển Đông”, ông nói.

Trên trang web chính thức, Đại sứ quán Mỹ tại Manila hoan nghênh quyết định ủng hộ EDCA của Tòa án Tối cao Philippines. Cơ quan này cho rằng, thỏa thuận sẽ thúc đẩy mối quan hệ song phương.

“EDCA là một thỏa thuận cùng có lợi, sẽ tăng cường năng lực của hai nước nhằm tạo ra hoạt động hỗ trợ nhân đạo và xây dựng năng lực cho các lực lượng vũ trang của Philippines”, tuyên bố trên trang web của Đại sứ quán Mỹ nêu rõ.

EDCA được ký chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên đường thăm Philippines hồi tháng 8/2014. Thỏa thuận này cho phép Mỹ triển khai binh sĩ nhằm tăng cường hiện diện, xây dựng và điều hành cơ sở hạ tầng tại các căn cứ của Philippines để phục vụ hoạt động của quân đội hai nước. Tuy nhiên, EDCA không cho phép Washington thiết lập mọi căn cứ quân sự cố định tại quốc gia Đông Nam Á.

Biển Đông 2016: Điểm nóng vẫn là chuyện lấn đảo

Trao đổi với Zing.vn, một số chuyên gia cho rằng diễn biến chính ở Biển Đông năm 2016 tiếp tục là hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc và phản ứng của những nước lớn.

Linh Phong - Hải Anh

Bạn có thể quan tâm