Sát thủ chống ngầm P-3C bay trên căn cứ không quân Hyakuri của Nhật Bản. Ảnh: Getty |
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật ngày 10/1 đưa tin, máy bay tuần tra P-3C sẽ được đưa về nước sau các hoạt động chống hải tặc ở vùng biển Somalia. Chính phủ Nhật sẽ ưu tiên cho máy bay dừng lại tại căn cứ của các nước bên bờ Biển Đông.
Động thái trên được cho là sẽ góp phần bảo vệ quyền tự do bay của Nhật Bản, cho phép nước này hỗ trợ hoạt động tuần tra của Mỹ quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông.
Sát thủ chống ngầm P-3C thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Trước đây, máy bay tiếp nhiên liệu tại các căn cứ cách Biển Đông tương đối xa như Singapore và Thái Lan. Theo kế hoạch mới, bên cạnh hành trình cũ, nó sẽ được tiếp nhiên liệu tại căn cứ trên Biển Đông. P-3C cũng sẽ tham gia vào các chương trình trao đổi quốc phòng tại những nơi nó bay qua.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani có chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái và ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trong đó thống nhất tăng cường trao đổi quốc phòng giữa hai bên và cho phép tàu của Nhật tới thăm cảng Cam Ranh.
Theo Nikkei, Nhật Bản lên kế hoạch đưa tàu tới Cam Ranh, Khánh Hòa lần đầu tiên vào năm 2016. Phía Nhật Bản cho biết, các tàu của Lực lượng Phòng vệ Biển sẽ tới Cam Ranh để tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và các vật tư khác. Tỉnh Palawan của Philippines và Labuan của Malaysia, cũng được dự kiến là các cảng dừng chân.
Tokyo bày bỏ quan ngại đặc biệt với các diễn biến trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Tháng 7/2014, nội các Nhật Bản đã thông qua việc diễn giải lại Hiến pháp, cho phép Tokyo huy động lực lượng phòng vệ trong trường hợp đồng minh bị tấn công – mở đường cho lực lượng của nước này có thể triển khai ra nước ngoài.
Tàu chiến Mỹ USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp diễn ra hồi đầu tháng 10 năm ngoái. Một nguồn tin cho biết Hải quân Mỹ có thể tiếp tục tuần tra Biển Đông vào tháng 1/2016.