Máy bay của hãng hàng không Phương Nam, Trung Quốc, trên đường băng phi pháp ở đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Xinhua |
"Ngày 8/1, chúng tôi đã chính thức phản đối các chuyến bay thử nghiệm gần đây của Trung Quốc tới đá Chữ Thập", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose, nói với các phóng viên ngày 13/1.
Ông Jose cho biết các chuyến bay thử nghiệm là "hành động khiêu khích", ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Theo người phát ngôn, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập đại diện Đại sứ quán của Trung Quốc tại Manila và trao công hàm phản đối.
"Những hành động này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng và lo lắng trong khu vực, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh đã ký năm 2002", ông nói thêm.
Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario từng lên tiếng quan ngại và nhận định rằng, việc Trung Quốc đáp máy bay xuống đường băng trên đá Chữ Thập ở Biển Đông có thể dẫn tới tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
"Chúng tôi rất quan ngại việc Trung Quốc điều máy bay tới đá Chữ Thập và nghi ngờ rằng Bắc Kinh có những kế hoạch để tiến xa hơn nữa", GMA News dẫn lời Ngoại trưởng Albert Del Rosario phát biểu trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond hôm 7/1.
Ngày 6/1, Trung Quốc điều hai máy bay đáp xuống đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chỉ 4 ngày sau khi có hành động tương tự. Đây là khu vực đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.
Ngoài ra, trong thông báo gửi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Cục Hàng không Việt Nam hôm 8/1 cho biết, Trung Quốc nhiều lần đi vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) mà không thông báo.
Cụ thể, từ ngày 1 đến 8/1, Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào FIR Hồ Chí Minh để tới đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Riêng sáng 8/1, có 4 chuyến bay vào và ra FIR Hồ Chí Minh. Hành động này uy hiếp an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động bay trong khu vực.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/1, Trung Quốc lớn giọng tuyên bố không cần phải thông báo về các chuyến bay đến đá Chữ Thập.
Chiều 12/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam kiên quyết bác bỏ các quan điểm sai trái trong phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trước đó, ông cũng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đáp máy bay xuống đá Chữ Thập. Ông Bình nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp.