- Xin ông giải thích một số khái niệm như vùng thông báo bay (FIR), vùng nhận diện phòng không (ADIZ) và không phận. Nguyên tắc thông báo của máy bay khi vào FIR do một nước quản lý như thế nào?
- Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) là vùng mà Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thành lập ở biển Hoa Đông, ảnh hưởng đến không phận một số nước trong khu vực và không phận quốc tế. Ở khu vực này, Bắc Kinh tuyên bố bất kỳ phi cơ nào đi qua đây đều phải báo cáo với họ.
Một số quốc gia không thừa nhận ADIZ này, như Nhật Bản. Tuy nhiên, một số hãng hàng không dân dụng lại chấp nhận nhượng bộ, thông báo thông tin chuyến bay với phía Trung Quốc để bảo đảm an toàn bay.
Quốc tế đang lo ngại Trung Quốc sẽ tiến tới thành lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây không phải là điều mà Bắc Kinh sẽ dễ dàng thực hiện. Chắc chắn rất nhiều nước sẽ không chấp nhận vùng ADIZ này. Nếu như tranh chấp ở biển Hoa Đông chủ yếu xảy ra ở vùng biên (lấn sang không phận nước khác), thì tình hình tranh chấp ở Biển Đông phức tạp hơn và liên quan đến nhiều quốc gia hơn.
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Vùng thông báo bay (FIR) là vùng mà các quốc gia thoả thuận với nhau để phân chia vùng quản lý theo luật lệ của Tổ chức Hàng không
Dân dụng Quốc tế (ICAO). Việt Nam có 2 FIR là FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh. Biên giới của FIR có thể thay đổi tuỳ theo tình hình. Chẳng hạn, trước năm 1975 thì Lào và Campuchia chưa có vùng FIR do các nước này quản lý, thì FIR Bangkok, FIR Sài Gòn (tên cũ trước năm 1975 - PV) và FIR Hà Nội sẽ quản lý các khu vực này. Đây là trách nhiệm của những trung tâm hàng không quốc tế trong khu vực có đủ phương tiện và năng lực điều hành.
Như trường hợp chuyến bay MH370 của Malaysia khi bay từ FIR Kuala Lumpur và đi ra khỏi khu vực này, tiếp cận với FIR Hồ Chí Minh sẽ diễn ra bước bàn giao. Khi vào FIR Hồ Chí Minh, phi cơ sẽ thông báo thông tin với các cơ quan chịu trách nhiệm ở TP HCM.
Đồ hoạ máy bay Trung Quốc đi vào FIR Hồ Chí Minh. Ảnh: VTV |
Tóm lại, trách nhiệm của phân chia vùng FIR liên quan đến giao thông hàng không dân dụng quốc tế. Nó gắn liền với không phận, nhưng không phải là yếu tố để xác định không phận.
Trên thế giới, nhiều quốc gia nằm gần nhau nên nước nào có trung tâm kiểm soát không lưu hiệu quả sẽ đứng ra quản lý FIR thay cho các nước lân cận. Như vậy, một FIR có thể bao gồm nhiều nước. Điều này phổ biến ở các nước châu Phi hoặc châu Âu. Ngược lại, một quốc gia có quy mô quá lớn thì họ có thể có nhiều FIR.
Trách nhiệm của một máy bay khi bay vào vùng FIR do ai quản lý thì phải báo cho cơ quan quản lý ở đó.
Phi cơ Trung Quốc không thực hiện nguyên tắc thông báo này, đơn vị kiểm soát ở TP HCM không thể nắm thông tin để báo cho các chuyến bay khác đang bay ở đây. Đây là hành động hết sức nguy hiểm và cố tình tạo ra sự đe doạ của phía Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh mật độ chuyến bay dày đặc ở vùng này.
Chẳng hạn, máy bay bay từ phía Thái Bình Dương nếu muốn đến Bangkok có thể đi qua các FIR do Việt Nam quản lý, hoặc máy bay từ Manila đi Bangkok bắt buộc bay qua FIR TP HCM. Máy bay từ Đài Loan (Trung Quốc) hoặc Nhật Bản nếu muốn tới Bangkok thì sẽ đi qua FIR TP HCM, có thể bay ngang đường cắt với các chuyến bay không thông báo của Trung Quốc.
FIR Hồ Chí Minh (màu xanh) tiếp giáp với FIR Sanya của Trung Quốc và FIR của Singapore. Nguồn: Cục hàng không Việt Nam. |
- Cục hàng không dân dụng Việt Nam đã gửi thư phản đối tới ICAO. Cơ quan này chưa phản hồi trước thư của phía Việt Nam. Theo ông, ICAO sẽ phản ứng thế nào?
- ICAO là cơ quan duy nhất có thẩm quyền và trách nhiệm trong vấn đề này. Tôi nghĩ chắc chắn ICAO sẽ lên tiếng vì đây là trách nhiệm của ICAO về an toàn hàng không trong khu vực.
ICAO có thể phản ứng bằng văn bản hoặc tuyên bố công khai. Tuyên bố của ICAO sẽ thể hiện lẽ phải, mang tính chất nguyên tắc, là một sự lên án.
Điều phải khẳng định là hành động của Trung Quốc hoàn toàn sai trái và đáng lên án khi vi phạm các nguyên tắc an toàn hàng không quốc tế, trong khi nước này cũng là một thành viên của ICAO.
Những sự lên án luôn có giá trị, và thực tế là Trung Quốc đã phải vận động một số nước để cản trở việc lên án trong một số trường hợp trước đây.
- Trung Quốc phải hành động thế nào trước tuyên bố của ICAO? Liệu họ có chấp nhận phân xử hay sẽ phớt lờ?
- Đây là vấn đề về mặt ngoại giao. Nếu Trung Quốc muốn thể hiện rằng họ là một nước không tuân thủ các thông lệ an toàn hàng không quốc tế, họ sẽ vẫn tiếp tục các hành động sai trái này. Anh đã tuyên bố rằng muốn trở thành một cường quốc, uy tín và tham gia vào các vấn đề quốc tế, thì anh không thể lờ đi những phân xử phù hợp với luật lệ quốc tế.
Tối 8/1, trao đổi với Zing.vn, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh khẳng định, Trung Quốc đang uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay tại vùng bay Hồ Chí Minh.
Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thông báo tới Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về việc liên tiếp có máy bay uy hiếp an toàn bay vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.
Cụ thể, ngày 1-8/1 Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) để tới đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Riêng sáng 8/1, có 4 chuyến bay vào và ra FIR Hồ Chí Minh.