Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định: “Chúng ta có đầy đủ cơ sở lịch sử, văn hóa, pháp lý để khẳng định quần đảo Hoàng Sa nói chung và đảo Phú Lâm nói riêng thuộc chủ quyền Việt Nam. Hiệp định Geneva ngày 20/7/1954 đã khẳng định điều này và Trung Quốc là một trong các bên ký kết. Cho dù người Trung Quốc có nói hàng trăm nghìn hay hàng triệu lần rằng họ có cơ sở pháp lý lịch sử ở Hoàng Sa thì cũng hoàn toàn là bịa đặt, dối trá”.
Chủ quyền lịch sử của Việt Nam với Hoàng Sa
Theo Tướng Lê Văn Cương, Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định cái gọi là chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Từ 350 năm trước, các triều đại phong kiến Việt Nam đã quản lý và làm chủ quần đảo Hoàng Sa. Các bằng chứng còn rất rõ trong thư tịch Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ hay thậm chí cả phương Tây. Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 do phương Tây xuất bản khẳng định, lãnh thổ Trung Quốc chỉ kéo dài tới cực nam đảo Hải Nam chứ không có 2 quần đảo phía nam. Gần 30 tấm bản đồ khác của Trung Quốc cũng khẳng định điều tương tự.
Thiếu tướng Lê Văn Cương,
nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công An . Ảnh: Công Khanh |
Ngày 19/1/1974, Trung Quốc sử dụng tàu chiến, máy bay chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khi ấy còn nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Hành động này vi phạm khoản 3, khoản 4 của Điều 2, Hiến chương Liên Hợp Quốc khi yêu cầu các quốc gia thành viên có trách nhiệm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và cấm sử dụng vũ lực. Trung Quốc là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng đã chà đạp lên Hiến chương Liên Hợp Quốc bất chấp luật pháp quốc tế.
Tướng Cương khẳng định hành động chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc vi phạm Nghị quyết 2625 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1970. Nghị quyết nêu rõ, lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng cưỡng chiếm của quốc gia khác. Những vùng lãnh thổ bị cưỡng chiếm bằng quân sự, vũ lực không tạo ra cơ sở pháp lý cho quốc gia đi chiếm.
Tham chiếu vào Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế hiện đại, hành động chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc vi phạm luật pháp, chà đạp nguyên tắc sơ đẳng trong quan hệ quốc tế đồng thời phủ nhận hoàn toàn cái gọi là cơ sở pháp lý của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa nói chung và đảo Phú Lâm nói riêng.
Trung Quốc vi phạm chồng vi phạm
Khi Trung Quốc không có cơ sở pháp lý về chủ quyền nhưng vẫn đặt tên lửa ở Phú Lâm cho thấy Bắc Kinh tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 hay các tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đưa ra.
“Trung Quốc đặt tên lửa ở Phú Lâm là hành động quân sự hóa Biển Đông. Cùng với căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, nơi đặt hạm đội mạnh nhất của Trung Quốc và các đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập và đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bắc Kinh muốn tạo thành quần thể căn cứ quân sự trải dài từ Hải Nam tới Trường Sa. Nó nằm trong chiến lược chống tiếp cận và hiện thực hóa độc chiếm Biển Đông mà Bắc Kinh đang theo đuổi”, Tướng Cương nhấn mạnh.
Ý đồ “không đánh mà thắng” của Trung Quốc trên Biển Đông là điều cực kỳ nguy hiểm. Trung Quốc thay đổi hiện trạng và quân sự hóa Biển Đông, đặt thế giới nói chung, khu vực nói riêng trong một trạng thái an ninh bất ổn và ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh, an toàn hàng hải và hàng không cũng như xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhìn từ trên cao. Ảnh: BBC |
ASEAN cần nhận thức đầy đủ về mối đe dọa từ Trung Quốc
Trước nhận định Mỹ và ASEAN chưa lường hết mối đe dọa từ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, Tướng Cương cho rằng người Mỹ không mơ hồ. Trước năm 2010, có thể Mỹ nhận thức chưa đầy đủ khi muốn Trung Quốc trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, những hành động hung hăng, hiếu chiến của giới lãnh đạo Trung Quốc từ 2010 tới nay cho phía Mỹ cái nhìn rõ ràng nhất về tham vọng của quốc gia này.
Tuy nhiên, Tướng Cương nhận định: “Tôi không tin tất cả các nước ASEAN đều có nhận thức đầy đủ về Trung Quốc. Đâu đó vẫn còn sự mơ hồ với âm mưu của Bắc Kinh. Vì thế, chúng ta có trách nhiệm nói với thế giới về âm mưu và ý đồ thực sự của Trung Quốc thông qua truyền thông, giao tiếp song phương, đa phương, hội thảo khoa học hoặc các kênh ngoại giao”.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Công An cũng cho rằng Trung Quốc có tính toán kỹ lưỡng khi đưa tên lửa ra Phú Lâm đúng thời điểm Tổng thống Mỹ đang chủ trì cuộc họp cấp cao với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Sunnylands, California, Mỹ. Bắc Kinh muốn truyền thông điệp tới cả ASEAN và Mỹ.
Với ASEAN, Trung Quốc muốn khẳng định Mỹ không thể thay đổi được hiện trạng trên Biển Đông hay ngăn cản yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Về phía Mỹ, Trung Quốc cảnh báo Washington không nên can thiệp vào tình hình Biển Đông đồng thời khẳng định Mỹ không đủ sức làm thay đổi tham vọng của Bắc Kinh.
Để đối phó với dã tâm của Trung Quốc, các nước ASEAN cần có nhận thức rõ ràng về âm mưu của Bắc Kinh. Trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN vừa hình thành, Biển Đông, vấn đề có thể tác động tới an ninh của toàn khu vực, không thể thiếu trong chương trình nghị sự của khối. Các nước thành viên ASEAN không thể lảng tránh vấn đề Biển Đông và về lâu dài, Trung Quốc cũng không thể chia rẽ ASEAN.