Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận rằng, nước này đang chuẩn bị tiến hành vụ phóng thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa. Ông Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, sự phát triển khả năng phòng thủ tên lửa là một phần thiết yếu trong chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia của Trung Quốc.
“Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ cải thiện khả năng tự bảo vệ của Trung Quốc và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, cũng không ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược quốc tế”, ông Dương nói. Ông cho biết thêm, Trung Quốc đang xem xét các biện pháp không xác định để duy trì cân bằng chiến lược trong khu vực.
Tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải các bức ảnh chụp lại quá trình phóng thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh trong năm 2010 và 2013. Nó cũng trùng hợp với thời điểm căng thẳng gia tăng khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở bán đảo Triều Tiên.
Defence Update nhận định, đây có thể là thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh núp bóng phòng thủ tên lửa.
Tên lửa mang phương tiện đánh chặn mới được gọi là SC-19. Tên lửa này và các phiên bản của nó đã được sử dụng thành công trong một số thử nghiệm phòng thủ tên lửa và đánh chặn ngoài khí quyển trong giai đoạn 2003-2015.
Tên lửa chống vệ tinh SC-19 mà truyền hình Trung Quốc vừa công bố hồi đầu tuần trước. Ảnh: JS7tv.cn |
Bên cạnh phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa trong nước, Bắc Kinh cũng đang theo đuổi việc phát triển các phương tiện có khả năng tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa vệ tinh đối phương.
Hai chương trình này có khả năng chia sẻ một số tính năng cho phép Trung Quốc mô tả các thử nghiệm chống vệ tinh là phòng thủ tên lửa, qua đó tránh được sự lên án của cộng đồng quốc tế về các thí nghiệm quân sự bên ngoài không gian.
Gần đây, truyền hình nhà nước Trung Quốc đã phát hành video mô tả một thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh được thực hiện vào năm 2015. Đây là lần thử nghiệm thứ 8 liên quan đến tên lửa chống vệ tinh Dong Neng 3.
Năm 2013, Bắc Kinh đã tiến hành thử nghiệm phương tiện đánh chặn Dong Neng 2 có khả năng tiêu diệt vệ tinh ở quỹ đạo địa tĩnh với độ cao tới 30.000 km. Quỹ đạo địa tĩnh là nơi Mỹ triển khai hoạt động các vệ tinh điều hướng và định vị.
Báo cáo gửi đến Quốc hội Mỹ của Ủy ban An ninh Kinh tế Mỹ - Trung năm 2015 mô tả, thử nghiệm "thể hiện một tầm cao mới trong khả năng chống vệ tinh" có thể được triển khai trước năm 2020.
Bên cạnh phát triển tên lửa chống vệ tinh, trong tháng 6, Trung Quốc đã phóng tên lửa đẩy mang theo robot có tên Aolong-1 để làm sạch rác trong không gian. Aolong-1 được trang bị cánh tay robot có thể bắt các mảnh vỡ vệ tinh hay các vật dụng khác và đẩy chúng rơi xuống trái đất ở vị trí an toàn.
Các nhà khoa học tại Viện 502, thuộc Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Không gian Trung Quốc nói trong năm 2015 rằng, Trung Quốc sẽ phóng vào không gian một robot đa nhiệm vào năm 2020 có thể làm nhiệm vụ duy trì, tiếp nhiên liệu và sửa chữa các vệ tinh trong quỹ đạo.
Giới phân tích lo ngại rằng, robot Aolong-1 có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Aolong-1 với cánh tay robot có thể phá hỏng các vệ tinh đối phương, làm gián đoạn thông tin liên lạc, dẫn đường cho máy bay và vũ khí công nghệ cao.