Vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc có thể vô hiệu hóa mạng lưới trinh sát chiến lược ngoài không gian của Mỹ. Ảnh đồ họa: Diplomat |
Theo Diplomat, ngày 19/8, Viện Hudson có trụ sở tại Washington, tổ chức buổi hội thảo nhằm đánh giá về sức mạnh quân sự Trung Quốc. Tại hội nghị, Trey Obering, cựu giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA), cảnh báo về sự phát triển quân sự nhanh chóng của Trung Quốc.
Theo ông Obering, kể từ khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ nắm ưu thế vượt trội so với các nước khác, đặc biệt là trong khả năng tình báo, giám sát và trinh sát chiến lược, khả năng triển khai sức mạnh trên toàn cầu và áp đảo về công nghệ trong các cuộc xung đột. Tuy nhiên, Trung Quốc đang thách thức cả 3 nền móng quan trọng trong sức mạnh quân sự Mỹ.
"Tôi tin rằng, Bắc Kinh đang thách thức Washington, đặc biệt là nhắm đến lĩnh vực trinh sát chiến lược, triển khai sức mạnh và lợi thế công nghệ của chúng ta với các chương trình phát triển tên lửa của họ", ông nói.
Đầu tiên, Trung Quốc đã chứng minh khả năng tiêu diệt vệ tinh bay trên quỹ đạo bằng thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh ở quỹ đạo thấp vào năm 2007. Một thử nghiệm tương tự đã được thực hiện vào đầu năm 2015. Vũ khí này cho phép Bắc Kinh tấn công vào hệ thống trinh sát chiến lược ngoài không gian của Washington.
"Vấn đề đáng quan ngại là Bắc Kinh đã phát triển khả năng tiêu diệt các vệ tinh ở quỹ đạo cao hơn, cho phép họ nhắm mục tiêu tất cả các phương tiện trong không gian của chúng ta", Obering chia sẻ trong hội thảo.
Mỹ dựa chủ yếu vào hệ thống vệ tinh để tiến hành các hoạt động quân sự trên khắp toàn cầu. Nếu vệ tinh bị tấn công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh chiến đấu.
Ở vấn đề triển khai sức mạnh toàn cầu, Trung Quốc đã phát triển khả năng răn đe đáng ngại với tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D. Tên lửa này được phát triển để nhắm vào hạm đội tàu sân bay của Mỹ. "Tên lửa này là mối đẹ dọa đáng gờm, nó đại diện cho công nghệ rất tiên tiến". Khi hạm đội tàu sân bay bị uy hiếp, Mỹ khó lòng triển khai sức mạnh trên toàn cầu một cách thuận lợi như trước.
Trong nền tảng chính thứ 3 của Mỹ là công nghệ, ông cho rằng, rõ ràng Trung Quốc không bằng lòng với những tiến bộ về công nghệ hiện nay mà còn theo đuổi mục tiêu vượt Mỹ trong tương lai. Ví dụ điển hình nhất cho nỗ lực vượt Washington của Bắc Kinh là chương trình phát triển đầu đạn siêu thanh WU-14.
Loại vũ khí này có thể bay với tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh (11.200 km/h). "Tốc độ và khả năng cơ động cao, WU-14 sẽ là một thách thức to lớn đối với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào".
Giải pháp
Hệ thống phòng thủ Aegis, lá chắn tên lửa chủ lực của Mỹ trên biển. Ảnh: Wikipedia |
Vị chuyên gia có 35 năm kinh nghiệm về phòng thủ tên lửa nêu một số giải pháp nhằm duy trì lợi thế của Mỹ so với Trung Quốc. Đầu tiên ông cho rằng, Mỹ cần sửa đổi khái niệm về phòng thủ tên lửa. Washington không nên tập trung vào các hệ thống đơn lẽ như Patriot, THAAD hay Aegis mà cần tích hợp vào một hệ thống duy nhất.
Để thực thiện điều này, trước hết Mỹ cần phát triển hệ thống cảm biến phát hiện mục tiêu tốt hơn. Bên cạnh đó, Washington cần cải thiện hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy và kiểm soát. Ngoài ra, sự tích hợp không chỉ ở lĩnh vực phòng thủ mà còn ở khía cạnh tấn công. Mỹ cần phải thay đổi khái niệm chiến thuật, quy trình đào tạo cũng như hợp tác trong một môi trường lớn hơn để tận dụng sức mạnh sẵn có của các đồng minh.
Giải pháp thứ 2 là Mỹ phải tiếp thêm sinh lực cho các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến. Ông lưu ý rằng, khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện nay là sản phẩm của hơn 2 thập kỷ trước. Nó là kết quả khi Tổng thống Ronald Reagan đề xuất Sáng kiến chiến lược quốc phòng năm 1983. Trong khi đó, công nghệ vũ khí thế giới liên tục thay đổi nên hệ thống lá chắn không kịp thích nghi.
Obering cho rằng, Mỹ nên đầu tư các công nghệ mới ở hiện tại để cải thiện năng lực cho tương lai. Bên cạnh đó, Washington nên mở rộng đầu tư phát triển các phương tiện đánh chặn không thuốc nổ tiên tiến, vũ khí năng lượng định hướng nhằm tiếp tục duy trì ưu thế công nghệ.
Vấn đề thứ 3 là Washington cần cải thiện năng lực không gian vũ trụ, nơi mà Mỹ cần chuẩn bị để chiến đấu và dành chiến thắng. "Như tôi đã nói, chiến đấu trong không gian cần được phát triển và đưa vào vũ trụ, không hiểu thực tế này có thể làm tổn thương chúng ta", vị chuyên gia chia sẻ.
Điều đó có nghĩa là Mỹ phải phát triển các khả năng mới và tốt hơn để đánh bại các mối đe dọa trong không gian. Bên cạnh đó, Washington cần duy trì một hệ thống dự phòng trên mặt đất nhằm duy trì khả năng hoạt động trên toàn cầu trong tình huống vệ tinh bị tấn công.