Hình ảnh được cho là tên lửa DN-2 đang phóng thử từ khu vực bí mật ở khu tự trị Tân Cương. Ảnh: Endtimeheadlines |
Theo Washington Free Beacon, vụ phóng diễn ra vào cuối tháng 10 tại trường bắn Korla nằm ở khu tự trị Tân Cương. Tên lửa được phóng đi có thể là loại DN-3 mà Bắc Kinh bí mật phát triển trong những năm gần đây. Người ta không thể xác định vụ thử có thành công hay không.
Báo Ming Pao, Hong Kong cho biết, giai đoạn cuối của quá trình thử nghiệm đánh chặn diễn ra trong bầu khí quyển. Tuy nhiên, Washington Free Beacon cho biết, trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần che giấu các thử vũ khí chống vệ tinh mà tuyên bố thử nghiệm phòng thủ tên lửa.
Từ năm 2005 đến nay, Bắc Kinh tiến hành ít nhất 8 vụ thử vũ khí không gian. Các lần bắn diễn ra trong năm 2010, 2013 và 2014 đều được “dán nhãn” thử nghiệm đánh chặn tên lửa trên đất liền. Quá trình phát triển vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc bắt đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi họ bắn hạ một vệ tinh hỏng ở quỹ đạo thấp vào năm 2007.
Sau đó, Bắc Kinh tiếp tục phát triển tên lửa mới có định danh DN-2. Tên lửa này được thử nghiệm vào năm 2013 và có thể đạt đến độ cao 30.000 km gần quỹ đạo địa tĩnh. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Washington Free Beacon rằng, DN-3 là một tên lửa được thiết kế để đâm vào vệ tinh và tiêu diệt chúng. Ngoài ra, vũ khí này còn có khả năng phòng thủ tên lửa.
Ảnh mô phỏng vụ tấn công vệ tinh trong không gian. Đồ họa: Redspar |
Giới tình báo Mỹ vẫn chưa nắm nhiều chi tiết về tên lửa DN-3. Tên lửa này có thể là một phiên bản sửa đổi của DN-2 do công ty Khoa học Không gian vũ trụ Trung Quốc sản xuất. Thông tin về bệ phóng cho các tên lửa này cũng rất ít. Phóng viên Bill Gertz của tờ Washington Times, người chuyên nghiên cứu về các chương trình vũ khí Trung Quốc cho biết, gần đây, Bắc Kinh đã phát triển hai loại bệ phóng không gian KZ-1 và KZ-11.
Ông Gertz nhận định, tên lửa DN-3 có khả năng được triển khai trên bệ phóng KZ-11 có thể đánh trúng mục tiêu ở quỹ đạo địa tĩnh (quỹ đạo cách trái đất từ 35.000 đến 42.000 km). Trước đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách mua sắm Frank Kendall từng cảnh báo về sự suy giảm ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực không gian so với Nga và Trung Quốc, đặc biệt là khả năng chống vệ tinh.
Đánh giá về vũ khí chống vệ tinh, Jaganath Sankaran, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và An ninh, thuộc Đại học Maryland, Mỹ nhận định, vũ khí chống vệ tinh có nhiều hạn chế và không thể đem lại ưu thế quân sự quyết định trong một cuộc xung đột.
“Các vệ tinh bay ở quỹ đạo từ 1.000 đến 36.000 km là thách thức lớn đối với Trung Quốc trong việc tấn công chúng. Bắc Kinh không có phương tiện để theo dõi hầu hết vệ tinh của Mỹ và chúng chỉ được bố trí trên lãnh thổ nước này. Do đó, Bắc Kinh chỉ có thể tính toán và đánh chặn vệ tinh khi nó bay qua lãnh thổ Trung Quốc”, ông Sankaran kết luận.
|