Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến trong không gian có thể sắp xảy ra

Các nhà phân tích nhận định, sự phụ thuộc vào vệ tinh trong cạnh tranh sức mạnh quân sự giữa các cường quốc có thể dẫn đến cuộc xung đột trong không gian.

a
Một hình ảnh trong phim Star War của Hollywood. Ảnh: BBC

Trong những năm Chiến tranh Lạnh, sự cân bằng hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến trong không gian. Tuy nhiên, thế giới ngày nay đang trở nên phức tạp hơn với 60 quốc gia có hoạt động trong không gian. Do đó một cuộc chiến tranh nhắm vào hệ thống vệ tinh ngày càng trở nên hiện hữu.

Trong bộ phim khoa học viễn tưởng “Star War” của Hollywood, hàng triệu khán giả trên thế giới được thưởng thức các phiên bản khác nhau về cuộc chiến tranh giữa các vì sao trong vũ trụ. Nhà phân tích quân sự Peter Singer thuộc quỹ New America nhận định, xung đột trong không gian từng là ý tưởng của khoa học viễn tưởng nhưng sắp trở thành sự thật.

Một cuộc chiến trong vũ trụ có thể không liên quan đến các đế chế giữa những thiên hà hay các phi thuyền bắn hạ lẫn nhau. “Nếu nó xảy ra thì có thể liên quan đến những vệ tinh - vấn đề rất quan trọng đối với chúng ta”, ông Singer nói.

Sự phụ thuộc vào vệ tinh

Các vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Chúng cung cấp thông tin, giúp rút tiền từ ngân hàng, cung cấp chỉ dẫn về địa lý thông qua hệ thống định vị bằng vệ tinh. Đối với quân đội hiện đại, không có vệ tinh sẽ là cơn ác mộng.

a
Các hoạt động của con người phụ thuộc rất lớn vào hệ thống vệ tinh bên ngoài không gian. Ảnh: Cyberwar

Vệ tinh được sử dụng để tìm kiếm, nhắm mục tiêu, dẫn đường cho vũ khí. Mạng lưới vệ tinh quân sự tạo nên “hệ thống thần kinh” của quân đội Mỹ. Chúng đảm bảo đến 80% thông tin liên lạc của quân đội mạnh nhất thế giới, bao gồm cả trung tâm răn đe hạt nhân, theo ông Singer.

Trong mọi thời điểm, quân đội Mỹ phải có một kênh truyền thông “hoàn toàn đáng tin cậy” giữa lực lượng răn đe hạt nhân với tổng thống, đó là các vệ tinh, Brian Weeden một cựu sĩ quan lực lượng tên lửa liên lục địa của Mỹ nói với BBC. “Bạn phải tính đến khả năng xảy ra cuộc tấn công hạt nhân và bạn phải tiến hành một số hoạt động phối hợp để tấn công đáp trả”, ông Weeden nói.

Các vệ tinh quân sự được thiết kế để đảm bảo thông tin liên lạc và phát hiện bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra. Chúng được bố trí hoạt động ở quỹ đạo địa tĩnh (cách mặt đất khoảng 36.000 km), vốn được xem là nơi an toàn nhất trước mọi cuộc tấn công.

Theo BBC, quỹ đạo địa tĩnh đã không còn an toàn khi Trung Quốc tiến hành vụ thử tên lửa chống vệ tinh có thể đạt đến tầm cao 36.000 km vào năm 2013.

Trong khi đó, sức mạnh quân đội Mỹ phụ thuộc rất lớn vào hệ thống vệ tinh. “Họ biết rằng năng lực không gian là cốt lõi trong sức mạnh quân sự của Mỹ”, ông Weeden lập luận.

Nếu một vụ bắn hạ vệ tinh xảy ra trong không gian, hậu quả để lại sẽ là hàng nghìn mảnh vỡ có thể gây tổn hại cho các vệ tinh khác, và điều đó có thể được hiểu là một hành động thù địch.

“Các mảnh vỡ quá nhỏ để có thể theo dõi. Vì vậy nếu một mảnh vỡ va chạm với vệ tinh nhạy cảm, bạn sẽ không thể biết đó là một tai nạn hay một hành động quân sự cố ý và điều đó có thể dẫn đến những kịch bản xấu nhất”, ông Jasani nói.

Trong một tuyên bố hiếm hoi hồi đầu năm nay, tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian của Không quân Mỹ, cảnh báo: “Tôi nghĩ rằng, họ (Trung Quốc) có thể đe dọa mọi quỹ đạo mà vệ tinh của chúng ta đang hoạt động. Chúng ta phải tìm cách để bảo vệ các vệ tinh”.

Vũ trụ vốn không bình yên

Đây không phải là lần đầu khả năng xảy ra một cuộc xung đột trong không gian được đề cập. Năm 1983, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đưa ra Sáng kiến Quốc phòng Chiến lược còn được gọi là “Star Wars” đề xuất phát triển loại vũ khí trong không gian nhằm chống lại cuộc tấn công bằng tên lửa liên lục địa từ Liên Xô.

Sáng kiến này đánh dấu một giai đoạn mới đầy kịch tính khi xuất hiện ý tưởng rằng sức mạnh trong không gian có thể làm suy yếu sự cân bằng mong manh giữa hai siêu cường trên mặt đất.

Khi đó, Liên Xô đã bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để tấn công các vệ tinh Mỹ nếu xảy ra chiến tranh. “Liên Xô đã tiến hành thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trong quỹ đạo. Họ đã thử nghiệm một kịch bản chiến tranh hạt nhân”, Bhupendra Jasani, nhà quan sát kỳ cựu về an ninh không gian thuộc Học viện King ở London nói với BBC.

Điều đó có nghĩa là nếu xảy ra chiến tranh, Liên Xô có thể bắn hạ các vệ tinh gián điệp cũng như hệ thống thông tin liên lạc trong không gian của Mỹ. Ngày nay, Trung Quốc đang làm điều tương tự, ông Jasani nhận định.

a
Ảnh mô phỏng một cuộc tấn công vào vệ tinh trong không gian. Ảnh đồ họa: Gizmag

Trong những năm Chiến tranh Lạnh, một nhận thức ngầm giữa Mỹ và Liên Xô rằng cuộc tấn công vào vệ tinh có thể phá vỡ và vô hiệu hóa hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân. Do đó, khả năng xảy ra cuộc tấn công như thế tương tự như mối đe dọa tấn công hạt nhân. “Điều đó ngăn chặn ý định của các bên liên quan về việc tấn công vào vệ tinh”, ông Weeden nói.

Giai đoạn này, hai siêu cường xem việc kiểm soát không gian là chìa khóa để nắm ưu thế quân sự trước đối phương.

“Chúng tôi rất nghiêm túc về cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra trong không gian”, Sergei Khrushchev, nhà khoa học tên lửa của Liên Xô, con trai của cựu Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev, nói.

Khi Sergei thiết kế các trạm không gian có người lái vào năm 1965, nó đã được trang bị tên lửa nhỏ và pháo. Lúc đó, Mỹ và Liên Xô từng có ý định tạo ra vụ nổ hạt nhân trong vũ trụ, thậm chí Washington còn lên kế hoạch chứng minh sức mạnh hạt nhân bằng vụ nổ trên mặt trăng.

“Ý tưởng được nêu ra là nếu bạn thực hiện một vụ nổ hạt nhân ở mặt trăng, con người có thể nhìn thấy ánh sáng vụ nổ từ trái đất, đó là một cách để chứng tỏ năng lực tên lửa tầm xa”, Jill Stuart, biên tập viên tạp chí Space Policy, nói. Tuy nhiên, Mỹ đã từ bỏ ý tưởng này do lo ngại sự phản đối của công chúng.

Sau đó, Mỹ đã chọn giải pháp đưa người lên mặt trăng và hợp tác về trong lĩnh vực vũ trụ đã trở thành biểu tượng của sự hợp tác quốc tế. Năm 1967, Hiệp ước Không gian bên ngoài được ký kết cấm việc triển khai các vũ khí hủy diệt hàng loạt trong không gian.

Tuy nhiên, khi các vệ tinh ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là cho mục đích quân sự nhằm phục vụ cho nhiệm vụ giám sát, dẫn đường và định vị cho vũ khí, vũ trụ ngày càng bị cuốn vào những toan tính quân sự và cạnh tranh toàn cầu.

Hiện có hơn 60 quốc gia hoạt động trong không gian và các lợi ích thương mại có liên quan. Do đó, thế giới luôn có một sự căng thẳng trong cách tiếp cận các hoạt động trong vũ trụ.

“Các nước có thể tham gia hợp tác với nhau trong các hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng vẫn có kế hoạch đánh bại lẫn nhau. Vũ trụ là khu vực mà ít nhất cho đến nay vẫn chưa chứng kiến các cuộc xung đột, nhưng đó không phải là một sự đảm bảo cho tương lai”, ông Singer kết luận.

Trung Quốc phát triển vũ khí không gian đối phó Mỹ

Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung nhận định vũ khí chống vệ tinh trong không gian hoặc trên mặt đất của Trung Quốc có thể làm tê liệt mạng lưới vệ tinh quân sự Mỹ.

Lịch sử vũ khí chống vệ tinh đầu tiên của thế giới

Ngày 13/9/1985, tiêm kích F-15A phóng thành công tên lửa ASM-135 để bắn hạ một vệ tinh ở độ cao 555 km, đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên có vũ khí không gian.




Quốc Việt (theo BBC)

Bạn có thể quan tâm