Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết tính đến 0h ngày 9/4, hệ thống thu phí cảng biển ghi nhận gần 59.000 tờ khai với số tiền thu về là 89 tỷ đồng.
Tổng số tiền phải thu là gần 89 tỷ đồng, tuy nhiên, thành phố mới thu về thực tế hơn 55 tỷ đồng (thu phí trong thành phố chiếm 16 tỷ đồng, ngoài thành phố là 27 tỷ đồng).
Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa, trong quá trình vận hành, cảng vụ đã tiếp nhận hơn 13.500 cuộc gọi đến đường dây nóng từ doanh nghiệp cần hỗ trợ. Ngoài ra, hệ thống thu phí hoạt động ổn, đảm bảo doanh nghiệp vận hành thông suốt.
Hình thức thu phí không sử dụng tiền mặt, không ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa. Khi doanh nghiệp nộp phí, dữ liệu sẽ được tích hợp về các cổng cảng biển để quản lý xe ra vào.
Kế hoạch thu phí hạ tầng cảng biển trước đó được thành phố dự tính triển khai từ 1/7/2021, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên lùi lại đến tháng 10/2021 rồi tiếp tục dời đến đầu tháng 4 năm nay.
Tính toán của Sở Giao thông Vận tải đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng.
Theo kế hoạch, tính đến năm 2025 có 14 dự án được thành phố ưu tiên bố trí vốn từ nguồn thu phí cảng biển như Vành đai 2, nút giao Mỹ Thủy, các công trình quanh cảng Cát Lái...
Mức thu phí cảng biển TP.HCM
Đối với hàng nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu, mức phí là 2,2 triệu đồng/container 20 feet; 4,4 triệu đồng/container 40 feet và 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Đối với hàng xuất, nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, mức phí là 500.000 đồng/container 20 feet; 1 triệu đồng/container 40 feet; và 30.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.