Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik. |
Ông Putin đã tham dự một cuộc họp chỉ huy quân sự ở vùng Kherson, Reuters dẫn tuyên bố của Điện Kremlin hôm 18/4.
Tổng thống Nga đã nghe báo cáo của các chỉ huy lực lượng đổ bộ đường không, cùng nhóm tác chiến "Dnepr" và các sĩ quan cấp cao khác về tình hình ở vùng Kherson và Zaporizhzhia.
Ông Putin cũng đến thăm trụ sở "lực lượng vệ binh quốc gia" ở khu vực Luhansk - một phần lãnh thổ khác của Ukraine mà Moscow đã sáp nhập vào năm 2022.
"Tổng thống Vladimir Putin đã đến thăm trụ sở Lực lượng Vệ binh Quốc gia 'phía đông' ở LPR (Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng), nơi ông nhận được báo cáo từ Đại tá Alexander Lapin, các sĩ quan hàng đầu khác về tình hình ở hướng này", TASS dẫn tuyên bố của văn phòng báo chí Điện Kremlin cho biết.
Điện Kremlin không cho biết thời điểm ông Putin tham dự các cuộc họp.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới vùng Kherson. Trước đó, ông Putin đã đến thăm Mariupol vào ngày 19/3.
Tổng thống cũng đã đến thăm Rostov-on-Don, nơi ông có cuộc họp và nhận báo cáo từ các chỉ huy quân sự trong trụ sở hoạt động quân sự đặc biệt.
Quân đội Nga đã rút khỏi Kherson, thủ phủ của khu vực, vào tháng 11/2022 và đang củng cố các vị trí ở bờ đối diện của sông Dnipro đề phòng một cuộc phản công của Ukraine.
Tuy nhiên, Moscow đã tuyên bố cả 2 vùng Kherson và Zaporizhzhia là một phần của Nga.
Moscow từng nhấn mạnh động thái rút quân khỏi Kherson sẽ không ảnh hưởng đến tình trạng pháp lý của khu vực này, bởi Nga đã hoàn tất thủ tục sáp nhập.
“Khu vực Kherson vẫn là một phần của Liên bang Nga. Tình trạng này là bất biến, đã được xác nhận về mặt pháp lý và không gì có thể thay đổi”, RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.