"Tôi gợi ý chúng ta cần một sáng kiến tương tự, tập hợp nguồn lực từ các quốc gia dân chủ, để hỗ trợ những cộng đồng đang cần giúp đỡ trên khắp thế giới", ông Biden trả lời báo chí về cuộc điện đàm ngày 26/3 với Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Tổng thống Mỹ hé lộ kế hoạch tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng quốc tế chỉ một ngày sau khi tuyên bố quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc vượt mặt Mỹ. Ông Biden khẳng định Trung Quốc sẽ không thể trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới chừng nào ông còn tại chức.
Tổng thống Biden cũng cam kết Mỹ sẽ đầu tư mạnh tay để đảm bảo thắng lợi trong cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Joe Biden đến bang Delaware vào ngày 26/3. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ Mỹ dự kiến công bố kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng toàn quốc trị giá hàng nghìn tỷ USD trong tuần tới. Ngày 25/3, ông Biden cũng cam kết tăng đầu tư vào công nghệ mới, trong đó có máy tính lượng tử, trí thông minh nhân tạo và công nghệ sinh học.
Theo Nikkei Asia, dù nhiều lần bày tỏ quan ngại về mô hình đầu tư của Trung Quốc, cũng như động viên khu vực tư nhân tăng đầu tư vào những dự án hạ tầng nước ngoài, Washington vẫn chưa thuyết phục được nhiều quốc gia nhận hỗ trợ từ họ thay vì nguồn vốn khổng lồ từ Bắc Kinh.
Hơn 100 quốc gia ký kết các thỏa thuận với Trung Quốc trong khuôn khổ "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI), cho những dự án hạ tầng như đường sắt, cảng biển và cao tốc.
Theo hãng nghiên cứu Refinitiv, tính đến giữa năm 2020, BRI có hơn 2.600 dự án với tổng trị giá khoảng 3.700 tỷ USD.
Tuy nhiên, khoảng 20% các dự án BRI chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19 trong năm qua.
Một số quốc gia cũng bắt đầu thay đổi thái độ về đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc. Một số dự án do Trung Quốc đầu tư được đánh giá là không cần thiết, quá tốn kém, ảnh hưởng chủ quyền quốc gia và tạo điều kiện cho tham nhũng.