Tổng thống Biden nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mắc “sai lầm lớn” và làm tổn hại tới vị thế quốc tế của Bắc Kinh khi không tham dự hội nghị COP26.
“Thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ đó là một sai lầm lớn liên quan đến việc Trung Quốc không xuất hiện” tại hội nghị COP26, ông Biden phát biểu sau nhiều ngày họp với các nhà lãnh đạo thế giới, theo South China Morning Post.
"Phần còn lại của thế giới sẽ nhìn vào Trung Quốc và tự hỏi ‘họ (Bắc Kinh) đang cung cấp thêm giá trị nào?’”, ông Biden nói với các phóng viên. “Họ đã làm tiêu tan khả năng ảnh hưởng đến mọi người trên thế giới và những người có mặt ở COP26”.
Ông Biden đối chiếu sự vắng mặt của ông Tập với việc chính mình tham gia COP26, diễn ra sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Biden tái gia nhập thỏa thuận vào tháng 1.
"Bằng cách xuất hiện tại đây, chúng tôi có tác động sâu sắc đến cách phần còn lại của thế giới nhìn vào Mỹ cũng như vai trò lãnh đạo của Mỹ", ông Biden nhận định.
Tổng thống Joe Biden phát biểu trong cuộc họp báo tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) ở Glasgow hôm 2/11. Ảnh: Reuters. |
Ông Biden cũng chỉ trích người đồng cấp Vladimir Putin khi nhà lãnh đạo Nga cũng không có mặt tại COP26. Tổng thống Mỹ nói rằng “vùng đất của nước Nga, theo nghĩa đen, đang bốc cháy”, nhưng ông Putin lại im lặng và không đề cập tới vấn đề này.
Trước đó, hôm 2/11, trong cuộc họp về quản lý rừng, ông Putin phát biểu Nga sẽ thực hiện "các biện pháp mạnh mẽ và mạnh mẽ nhất để bảo tồn" các khu rừng, theo thông cáo báo chí của Điện Kremlin.
Mặc dù nói biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên quan trọng của Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov không đưa ra lý do gì khiến nhà lãnh đạo Nga quyết định không tham dự trực tiếp. Nga là nguồn phát thải khí carbon lớn thứ 5 thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ, EU và Ấn Độ, theo BBC.
Trong khi ông Biden chỉ trích ông Tập vì không tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, Thủ tướng Anh, đồng thời cũng là người chủ trì COP26, Boris Johnson đưa ra một cách giải thích khác.
Ông Johnson cho rằng sự vắng mặt của ông Tập không có nghĩa là Bắc Kinh “không tham gia”, đồng thời nói phái đoàn Trung Quốc cử tới là phái đoàn “cấp cao".
Trưởng đoàn đàm phán khí hậu của Trung Quốc Xie Zhenhua đã bày tỏ sự lạc quan hôm 2/11 khi cho rằng các quốc gia sẽ có thể đạt được thỏa thuận ở Glasgow về thị trường carbon toàn cầu, ngay cả khi căng thẳng Mỹ - Trung xuất hiện.
Là một trong những phần chưa thực hiện được của Thỏa thuận Paris, thị trường carbon toàn cầu sẽ cho phép một quốc gia tài trợ việc giảm phát thải ở các quốc gia khác - như trồng cây hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo - và sau đó tính những khoản cắt giảm này vào mục tiêu khí hậu của mình.
Phát biểu trước các phóng viên, ông Xie cho biết sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến Thỏa thuận Paris, và giờ là lúc “làm việc chăm chỉ hơn” sau những năm “lãng phí” dưới thời chính quyền Trump.
Ông Tập Cận Bình - người không rời khỏi Trung Quốc kể từ khi Covid-19 xuất hiện - đưa ra tuyên bố ngắn gọn cho hội nghị COP26 vào hôm 1/11, thay vì tham dự trực tiếp hay ghi hình trước. Ông Tập kêu gọi tăng tốc hành động vì khí hậu toàn cầu, nhưng chính quyền ông lại không đưa ra các biện pháp hay cam kết cụ thể mới nào.