Tuyên bố của ông Modi dường như thổi luồng gió mới vào các cuộc đàm phán diễn ra trong một số phiên họp của nhóm G20 cuối tuần qua, South China Morning Post đưa tin hôm 2/11.
Dù mục tiêu của Ấn Độ chậm hơn hai thập niên so với Mỹ và Anh, cam kết nói trên có vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu hiện tượng nóng lên toàn cầu, các nhà khoa học cho biết.
Ông Modi đồng thời nhắc lại quan điểm rằng các quốc gia giàu có nên hỗ trợ các nước nghèo thông qua huy động vốn nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
“Ấn Độ kỳ vọng các quốc gia phát triển sẽ cung cấp 1.000 tỷ USD cho lĩnh vực khí hậu càng sớm càng tốt”, ông Modi cho biết.
Con số nói trên cao gấp 10 lần so với mục tiêu tài chính hàng năm mà các nước giàu đặt ra.
Ấn Độ là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan được dự báo có tác động nghiêm trọng đến đời sống của quốc gia 1,3 tỷ dân.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP. |
Cùng quan điểm với ông Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1/11 cũng kêu gọi các nước phát triển nỗ lực nhiều hơn nữa để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng không đưa ra cam kết về mức giảm phát thải.
Trong một tuyên bố gửi tới hội nghị COP26, ông Tập nhấn mạnh các quốc gia cần tập trung vào “hành động cụ thể" với "mục tiêu và tầm nhìn thực tế”, đồng thời tận dụng đổi mới trong khoa học công nghệ để “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh”.
Ông Tập không tiết lộ cam kết khí hậu mới của Trung Quốc, nhưng cho biết Bắc Kinh sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể trong các lĩnh vực về năng lượng, công nghiệp, xây dựng và giao thông.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa hiện hữu đối với sự tồn vong của loài người”. Trong bài phát biểu tại COP26, ông Biden cam kết rằng Washington sẽ đạt mục tiêu cắt giảm hơn một nửa lượng khí thải vào năm 2030.
Dù vậy, tuyên bố nói trên của ông Biden được đưa ra khi kế hoạch 555 tỷ USD chi tiêu cho khí hậu của chính quyền Mỹ chưa được quốc hội thông qua. Cơ quan này vẫn đang xuất hiện chia rẽ sâu sắc.